Bãi rác ở bờ vở sông Hồng đang được biến thành nơi người dân có thể tương tác với thiên nhiên qua các giác quan.

Sáng 4/12, mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống đã phối hợp với chính quyền quận Hoàn Kiếm tổ chức trồng cây xanh cho vườn giác quan.

“Mục đích hướng tới không chỉ là tạo nên không gian đẹp để nhìn ngắm mà còn mang đến mùi vị, âm thanh, người dân có thể sờ, nếm,” ông Nguyễn Tiêu Quốc Đạt, đồng sáng lập Think Playgrounds - đơn vị tham gia thiết kế dự án, chia sẻ.

Việc chọn cây trồng đã được các chuyên gia tính toán kỹ lưỡng nhằm đảm bảo phù hợp với điều kiện môi trường cũng như duy trì các giống bản địa. Các cây giống bản địa được lựa chọn cho dự án gồm trứng gà, quất hồng bì, mít, dành dành, phèn đen, hương nhu. Ngoài ra, một số cây khác như lá bỏng, cúc tần, trầu không, muối, dâm bụt nhót, phù dung, ngọc lan cũng được ươm trồng cho Dự án. Đây là những loại cây phù hợp với việc tạo nên môi trường vườn rừng với các lớp tầng tán phù hợp, cũng như đem lại các ứng dụng thiết thực gắn với cuộc sống hằng ngày của người dân.

Hoạt động trồng cây nằm trong giai đoạn 2 của Dự án cải tạo môi trường bờ vở sông Hồng ở phường Chương Dương do mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống phát động. Cách hồ Hoàn Kiếm hơn 2km, bờ vở sông Hồng - khu vực tiếp giáp lòng sông và được người dân sử dụng như một hành lang đê điều bảo vệ nội thành Hà Nội - mang một diện mạo vô cùng nhếch nhác. Trước đó, trong giai đoạn 1, Mạng lưới đã hoàn tất việc dọn dẹp và cải tạo khoảnh đất rộng 1.500 m2 bị bỏ hoang, ô nhiễm thành một khu vườn rừng sinh thái và một không gian công cộng đa chức năng cho người dân phường Chương Dương.

Hiện tại, Mạng lưới tiếp tục phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm tiến hành giai đoạn 2 của Dự án, mở rộng phần cải tạo từ khu vườn rừng sinh thái trong giai đoạn 1 ra hai bên, với tổng diện tích lên đến 6.000m2. Một số hạng mục cải tạo trong giai đoạn 2 bao gồm việc mở đường dân sinh rộng 8m nối đến Đền Sơn Hải; làm các sân chơi, sân đa năng, thiết bị thể dục; xử lý 3 cống xả trong khu vực Dự án để lọc nước và giảm mùi hôi; làm vườn giác quan v.v. Theo đó, sau khi hoạt động trồng vườn giác quan vào ngày 4/12 vừa qua kết thúc, người dân trong khu vực vẫn sẽ tiếp tục tự trồng cây để phủ xanh khu vườn.

Một số hình ảnh hoạt động:

r
Sơ đồ cải tạo bờ vở sông Hồng (giai đoạn 2).


d

g

f
Thực trạng bờ vở sông Hồng trước khi các thành viên mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống tiến hành cải tạo thành vườn giác quan.

h

h
Khoảng 100 tình nguyện viên tham gia dự án trồng vườn giác quan lần này. Dự án cải tạo bờ vở sông Hồng là một trong những dự án hiếm hoi tại Hà Nội có sự chung tay của cả chính quyền, cộng đồng, các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp, chuyên gia khoa học, nhà tài trợ v.v.

u

j

j

j

j

g

j
Vườn giác quan là một phần trong mô hình thiết kế Omniscape - cách mà các nhà quy hoạch Nhật Bản ứng dụng để tạo nên mối liên kết giữa con người với thiên nhiên, đặc biệt là trong không gian đô thị. Khu vườn không chỉ giúp hình thành không gian đẹp để nhìn ngắm mà nó còn giúp cộng đồng tương tác với thiên nhiên qua thính giác, vị giác, thị giác, khứu giác và xúc giác.

Nguồn: Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống


Được thành lập vào năm 2019, Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống gồm các cá nhân, tổ chức đang sống, làm việc tại Hà Nội, quan tâm đến việc cải thiện không gian công cộng, điều kiện môi trường cũng như các hạ tầng cơ sở để tăng cường chất lượng sống của người dân ở Hà Nội. Vì một Hà Nội đáng sống mong muốn hợp tác với cộng đồng người dân, các chuyên gia, các nhà hoạt động xã hội, các nhà quản lý để cùng phát triển Hà Nội thành một thành phố sáng tạo, nhân văn và đáng sống cho tất cả mọi người.