Ông Vũ Xuân Hợi - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Yên Bái - cho biết, Yên Bái đang xây dựng dự án để trình Bộ KH&CN, đề nghị bộ hỗ trợ xây dựng quản lý chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm gạo nếp Tú Lệ.

Xã Tú Lệ thuộc huyện Văn Chấn nằm giữa ba ngọn núi cao là Khau Phạ, Khau Thán và Khau Song, từ lâu đã nổi tiếng với giống nếp có hạt gạo to tròn, trắng trong, khi đồ lên có vị dẻo thơm đặc biệt. Nếp Tú Lệ - còn gọi là nếp Tan Lả, theo tiếng của người Thái - là đặc sản chỉ có ở thung lũng lòng chảo Mường Lò này.

Ông Hợi cho biết, năm 2014, Hội đồng Khoa học tỉnh Yên Bái đã đề xuất UBND tỉnh phê duyệt thực hiện đề tài chọn lọc, bảo tồn, phát triển giống lúa nếp Tú Lệ do Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thực hiện.

Cánh đồng lúa nếp tại thung lũng lòng chảo Mường Lò. Ảnh: Văn Ba
Cánh đồng lúa nếp tại thung lũng lòng chảo Mường Lò. Ảnh: Văn Ba

Sau 3 năm triển khai, trung tâm đã phục tráng, chọn lọc được 180kg giống siêu nguyên chủng. Giống đã được cấp giấy chứng nhận chất lượng phù hợp quy chuẩn kỹ thuật vào năm 2016, theo tiêu chuẩn QCVN 01-54:2011 do Bộ NN&PTNT ban hành.

Để nâng cao hiệu quả sản xuất hàng hóa gạo nếp Tú Lệ trong những năm tới, nhóm nghiên cứu đề xuất tỉnh Yên Bái và huyện Văn Chấn tiếp tục có chính sách hỗ trợ nhân dân địa phương sản xuất loại gạo đặc sản này. Ngoài ra, cần có cơ chế quản lý việc sử dụng lượng giống siêu nguyên chủng do đề tài tạo ra một cách hợp lý để bảo tồn, phát triển nguồn gene quý này.

Theo ông Vũ Xuân Hợi, phát triển giống lúa Tú Lệ cũng là hướng phát triển của địa phương. Gạo Tú Lệ tuy nổi tiếng ngon từ xưa, song để vươn ra thị trường rộng lớn thì phải xây dựng và phát triển thương hiệu một cách bài bản hơn nữa.


“Chúng tôi đang xây dựng dự án để thời gian tới trình lên Bộ KH&CN đề xuất hỗ trợ xây dựng quản lý chỉ dẫn địa lý cho gạo nếp Tú lệ” - ông Hợi nói và cho biết, địa phương đang nhân tiếp giống siêu nguyên chủng gạo nếp Tú Lệ và một đơn vị thuộc Sở NN&PTNT Yên Bái đang kết nối sản xuất theo chuỗi đối với loại gạo đặc sản này.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2016-2020, Yên Bái tiếp tục tập trung nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng thành tựu công nghệ sinh học, thực hiện hiệu quả chương trình ứng dụng công nghệ sinh học nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông, lâm nghiệp - thuỷ sản của tỉnh; đưa công nghệ sinh học trở thành lĩnh vực KH&CN có đóng góp quyết định vào tăng trưởng kinh tế các ngành này.

Để thực hiện được mục tiêu, ông Hợi kiến nghị Bộ KH&CN tiếp tục quan tâm bố trí, tăng kinh phí đầu tư phát triển cho KH&CN để triển khai các dự án của tỉnh Yên Bái trong những năm tiếp theo nhằm nâng cao năng lực và cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu phát triển KH&CN của tỉnh.