Nhóm tác giả ở Viện Di truyền Nông nghiệp (thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) đã xác định được vi khuẩn gây bệnh thối nhũn trái mít và đưa ra biện pháp canh tác, phòng trừ bệnh trên cây mít trồng tại Hậu Giang.


Hậu Giang là một trong những tỉnh của đồng bằng sông Cửu Long có chất lượng mít ngon nhất. Đặc biệt, giống mít Thái Hậu Giang có múi khá to, màu vàng ươm, thơm, ngọt đậm, giòn và ráo, không bị dính tay như các loại mít khác. Cây mít chiếm khoảng hơn 2.000 ha trong cơ cấu cây trồng của toàn tỉnh.

Mặc dù dễ trồng nhưng mít thường gặp một số bệnh hại như nứt thân xì mủ, thối nhũn trái mít, xơ đen,…, làm mất giá trị thương phẩm của mít và gây thiệt hại về kinh tế cho người nông dân.

Thời gian gần đây, bệnh thối nhũn trở nên phổ biến. Bệnh có thể xuất hiện ở tất cả các giai đoạn phát triển trái, từ trái nhỏ đường kính 12-15cm đến các trái trưởng thành ở giai đoạn gần thu hoạch, làm giảm năng suất, sản lượng trái từ 10-25%. Triệu chứng điển hình của bệnh này là trên trái có một vài chấm nhỏ màu nâu đen, sau đó phát triển lan rộng thành vùng lớn hoặc cả nửa trái và ăn sâu vào múi, làm thịt trái bị nhũn thối. Bệnh khó phát hiện sớm, khi đã thấy xuất hiện vết đen nhỏ bên ngoài vỏ trái là bên trong đã bị thối nhũn mức độ rất nặng.

Bệnh thối nhũn phát triển nhiều trong điều kiện thời tiết nóng và mưa nhiều, vườn cây rậm rạp, kém thoát nước. Bệnh lây lan rất nhanh, tập trung vào giai đoạn giao thời giữa mùa khô và mùa mưa cũng như trong cả mùa mưa.

n
Bệnh thối nhũn trái mít khó phát hiện sớm. Ảnh: Internet

Tại Hậu Giang, bệnh thối trái được phát hiện đầu tiên ở xã Phú Tân, huyện Châu Thành, một vùng trồng mít lớn của Hậu Giang, vào tháng 10/2018. Đến nay, toàn huyện Châu Thành có 44,5 ha diện tích mít bị nhiễm bệnh và bắt đầu lây lan sang các địa bàn lân cận.

Hiện nay, các nghiên cứu trong nước về bệnh thối nhũn trái mít còn rất hạn chế, làm cho các hướng dẫn phòng trừ phần lớn còn chung chung, dẫn đến tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, gây hại cho người trồng, người sử dụng và môi trường.

Trong bối cảnh đó, Sở KH&CN Hậu Giang đã triển khai đề tài “Xác định tác nhân và nghiên cứu giải pháp phòng trị thối nhũn trái mít Thái trên địa bàn tỉnh Hậu Giang". Đề tài do TS Nguyễn Thành Đức và cộng sự Viện Di truyền Nông nghiệp chủ trì thực hiện.

Nhóm nghiên cứu đã thu thập mẫu mít có biểu hiện bệnh để phân lập tác nhân gây bệnh. Kết quả, nhóm phân lập được 12 chủng vi khuẩn và năm chủng nấm; đồng thời xác định được tác nhân gây bệnh thối nhũn trái mít là vi khuẩn thuộc chi Dickeya dadantii.

Tác nhân gây bệnh thối nhũn Dickeya dadantii trên các đối tượng cây trồng khác như cây khoai tây, khoai lang, chuối hay hoa lan đã được công bố trong các nghiên cứu trước đây.

Từ kết quả xác định tác nhân gây bệnh là vi khuẩn, đề tài đã xác định được hai loại thuốc bảo vệ thực vật có gốc kháng sinh (Streptomycin và Tetracyclin) đạt hiệu quả cao trong ức chế vi khuẩn gây bệnh ở điều kiện phòng thí nghiệm.

Theo dõi sự phát triển của vi khuẩn sau 24 giờ, cho thấy kháng sinh Streptomycin đạt hiệu quả cao nhất ở nồng độ 50 mg/mL, còn kháng sinh Tetracyclin đạt khả năng ức chế vi khuẩn tốt nhất ở nồng độ 10 mg/mL.

Đánh giá khả năng ức chế vi khuẩn gây bệnh thối nhũn mít Dickeya dadantii
Đánh giá khả năng ức chế vi khuẩn Dickeya dadantii. Ảnh: NNC

Trong quá trình thực hiện đề tài, nhóm tác giả cũng đã xây dựng được ba mô hình tại tỉnh Hậu Giang với quy mô 100 cây/mô hình. Từ kết quả mô hình, nhóm tác giả đã xây dựng được giải pháp canh tác tổng hợp nhằm giảm thiểu nguy cơ xuất hiện bệnh thối nhũn trái mít trên vườn. Mô hình canh tác do nhóm xây dựng đã giảm được tỷ lệ trái bệnh còn dưới 5%, giảm nhiều so với vườn đối chứng, theo canh tác của người dân (tỷ lệ trái bệnh dưới 14%).

Nhóm khuyến cáo một số biện pháp phòng trị bệnh thối nhũn trái mít Thái như sử dụng cân đối, không bón thừa phân hóa học; bổ sung phân hữu cơ có chế phẩm sinh học để cải tạo đất và phòng trừ nấm bệnh trong đất; đồng thời sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có gốc hoạt chất Streptomycin, Tetracycline như Oxycin 100WP, Poner 40TB,... Ngoài ra, có thể sử dụng thuốc trừ sâu, ruồi vàng, nấm thông dụng tại địa phương và chất bám dính sinh học NEEM hoặc các chất bám dính tương tự, nhằm nâng cao hiệu quả của thuốc.

Đề tài của nhóm tác giả đã được Sở KH&CN Hậu Giang nghiệm thu mới đây, kết quả đạt.