Mô hình sản xuất muối sạch kết tinh trên nền bạt giúp tiết kiệm thời gian và sức lao động, hạn chế thiệt hại khi gặp mưa bất thường, lợi nhuận cao và chi phí đầu tư tái sản xuất thấp.

Làng muối Tân Thuận, nằm ven biển Gành Hào, thuộc ấp Lưu Hoa Thanh, xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi và tiếp giáp huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu. Nghề làm muối ở Tân Thuận đã có từ lâu đời và đã trở thành nghề truyền thống của diêm dân nơi đây.

Mùa sản xuất chính vụ tại Làng Nghề muối Tân Thuận thường diễn ra hằng năm vào mùa nắng Cà Mau, tức từ tháng 11 đến tháng 4 âm lịch. Lúc này trên những cánh đồng rộng lớn, bà con diêm dân sẽ đắp nền thành từng ô, từng hàng (hay còn gọi là khuôn) rồi dùng chân đạp hệ thống cánh quạt dẫn nước biển vào ruộng để bắt đầu sản xuất muối.

Tuy nhiên, sản xuất muối trên nền đất thì hạt muối làm ra chất lượng kém, lẫn tạp chất, giá thành thấp, khó tiêu thụ, năng suất và hiệu quả kinh tế thấp. Phương pháp làm muối sạch trải bạt HDPE ô kết tinh sẽ khắc phục được những nhược điểm của phương pháp truyền thống trên.

HDPE loại nhựa nhiệt dẻo làm từ dầu mỏ, cấu trúc phân tử mật độ cao nên dày, cứng, chống chịu va đập, kéo căng tốt hơn so với nhựa PE thông thường. Đây là nhựa tổng hợp dùng phổ biến nhất trong sản xuất hiện nay.

Để xây dựng được quy trình kỹ thuật sản xuất muối sạch kết tinh trên nền bạt (ô kết tinh), Sở KH&CN Cà Mau đã triển khai dự án “Nhân rộng sản xuất muối sạch kết tinh trên nền bạt tại xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau”. Dự án do Trung tâm Phân tích, kiểrm nghiệm tỉnh Cà Mau chủ trì, với quy mô diện tích thực tế thực hiện 106,8ha/40 hộ dân tham gia tại xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi. Trong đó, diện tích muối kết tinh trên nền bạt 68,35 ha; diện tích muối kết tinh trên nền ô đất 38,45 ha.

Hộ diêm dân chuẩn bị mặt bằng ruộng muối và ô kết tinh. Mặt bằng ô kết tinh muối phải được cải tạo, đắp bờ, làm phẳng bằng con lăn. Vật liệu bạt chống thấm HDPE trải trên ô kết tinh muối có độ dày 0,5mm, khổ rộng 8m. Sử dụng phương pháp hàn kép (hàn nhiệt) để kết nối các tấm bạt HDPE.

M
Muối được kết tinh trên nền ô trải bạt. Ảnh: NNC

Muối sạch được sản xuất theo quy trình phơi nước truyền thống, chỉ cải tiến khâu trải bạt trên ô kết tinh.

Kết quả, sản lượng muối thu hoạch 10.440,15 tấn, đạt chất lượng theo TCVN 9638:2013 về chất lượng muối thô kết tinh theo phương pháp phơi nước. Trong đó, muối sạch kết tinh trên nền bạt (ô kết tinh) hơn 6.900 tấn, năng suất đạt 101,08 tấn/ha/vụ; muối sạch kết tinh trên nền ô đất đạt hơn 3.500 tấn năng suất đạt 76,75 tấn/ha/vụ. Như vậy lượng muối kết tinh trên nền bạt có thời gian ngắn hơn và sản lượng tăng từ 29 - 33% so với việc kết tinh trền nền đất.


Bên cạnh đó, hàm lượng muối NaCl (được tính từ hàm lượng các ion Ca2+, Mg2+, SO42-, chất rắn không tan trong nước và độ ẩm của muối) lớn hơn 95% đạt theo tiêu chuẩn quy định. Trong khi đó hàm lượng NaCl trong muối kết tinh trên nền đất chỉ đạt 92%. Giá bán muối kết tinh trên nền bạt cao gần gấp đôi so với muối kết tinh trền nền đất.

Đặc biệt, khi làm muối trên nền đất, có cơn mưa trái mùa hay làm lại vụ mới phải mất từ 2 - 3 ngày để cải tạo. Tuy nhiên, đối với mô hình làm muối trải bạt, sau thu hoạch, chỉ cần dọn sạch ô kết tinh có trải bạt thì tiếp tục đưa nước ót ngay vào ô kết tinh để sản xuất đợt tiếp theo.

Sản phẩm muối đạt tiêu chuẩn
Sản phẩm muối đạt tiêu chuẩn. Ảnh: NNC

Về hiệu quả sản xuất, thu nhập (trừ chi phí cộng công lao động sẵn có), bình quân 1 ha muối sản xuất trên nền đất tốn gần 67 triệu đồng/ha. Chi phí ở phương pháp sản xuất muối trên nền bạt là hơn 123 ttriệu đồng/ha, cao hơn 1,8 lần. Lợi nhuận từ muối sản xuất trên nền đất đạt hơn 38 triệu đồng/ha, muối sản xuất trên nền bạt đạt gần 95 triệu đồng/ha, gấp gần 2,5 lần so với phương pháp sản xuất theo phương pháp truyền thống. Đó là chưa kể, sản phẩm là muối sạch, có chất lượng cao giúp làm tăng mức độ cạnh tranh của sản phẩm và tạo tiền đề cho việc triển khai các dự án tiếp theo như sản xuất muối sạch chứa khoáng chất; muối sạch chứa i-ốt nhằm đa dạng hoá sản phẩm và đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Nhìn chung, phương pháp kết tinh muối trền nền bạt giúp tiết kiệm thời gian và sức lao động, hạn chế thiệt hại khi gặp mưa bất thường, lợi nhuận cao và chi phí đầu tư tái sản xuất thấp.

Nhóm thực hiện dự án đã xây dựng được bộ tài liệu kỹ thuật về việc thiết kế, thi công, lắp đặt, vận hành và sản xuất muối được ban hành phù hợp với điều kiện sản xuất thực tế của tỉnh Cà Mau, sẵn sàng cho việc nhân rộng mô hình.

Dự án đã được Sở KH&CN Cà Mau nghiệm thu mới đây, kết quả đạt.