Cần chuyển đổi mô hình canh tác 3 vụ lúa trong vùng Tứ giác Long Xuyên để thích nghi với điều kiện tự nhiên. Cụ thể, chuyển đổi canh tác lúa Thu Đông sang nuôi trồng thủy sản để có thể kiểm soát lũ của vùng này.


Đây là giải pháp được nghiên cứu từ đề tài “Nghiên cứu đánh giá các tác động tích cực và những tồn tại, đề xuất các giải pháp để nâng cao hiệu quả về KT – XH và môi trường của hệ thống công trình kiểm soát lũ vùng Tứ giác Long Xuyên (TGLX)” thuộc Chương trình KHCN trọng điểm cấp Nhà nước KC.08/11-15. Đề tài vừa được Bộ Khoa học và Công nghệ nghiệm thu.

Đề tài được giao nghiên cứu từ năm 2013 trong bối cảnh hệ thống công trình kiểm soát lũ vùng TGLX được Nhà nước đầu tư xây dựng và đi vào vận hành từ trước đó còn nhiều bất cập. Trong khi biến đổi khí hậu ngày càng biểu hiện khắc nghiệt hơn.

Nghiệm thu cấp Nhà nước đề tài KC08.20/11-15
Nghiệm thu cấp Nhà nước đề tài KC08.20/11-15

TS Tô Văn Thanh – Chủ nhiệm đề tài chỉ rõ, qua nghiên cứu thấy tất cả các nhóm công trình kiểm soát lũ TGLX đều có biểu hiện xuống cấp chung là bị bồi lắng, co hẹp khẩu độ vào, ra và sạt lở do dòng chảy, tàu thuyền gây nên.

Việc xây dựng 2 đập cao su Tha La và Trà Sư chặn đầu dòng kênh Tha La với cao trình đáy đập là 1,5m. Trong khi đó, cao trình đáy kênh của 2 kênh này là -3m, nghĩa là kênh Tha La và Trà Sư vào mùa khô không còn hoạt động được nữa. Một số cửa kênh thông ra biển Tây tại khu vực Rạch Giá chưa có công trình kiểm soát mặn, giữ ngọt trong mùa khô. Vì vậy, hàng năm mặn vẫn xâm nhập và một lượng lớn nước ngọt thượng nguồn đổ về TGLX chảy ra biển Tây do không có cống giữ lại.

Từ thực tế này nhóm nghiên cứu đề xuất cần chuyển đổi mô hình canh tác 3 vụ lúa trong vùng TGLX thích nghi hơn với điều kiện tự nhiên, mang tính linh hoạt cho người dân. Đặc biệt, có thể chuyển đổi canh tác lúa Thu Đông sang nuôi trồng thủy sản đối với việc kiểm soát lũ vùng TGLX.

"Việc thay thế này sẽ mang hiệu quả cao hơn và ít rủi ro do lũ so với việc trồng lúa. Thời gian tới, kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ chuyển giao cho các tỉnh vùng TGLX, trước tiên là An Giang, để địa phương cải tạo lại hệ thống ô bao triệt để nhằm linh hoạt hơn trong sản xuất. Đồng thời có thể chứa lũ trong trường hợp lũ xảy ra mà không phải phá đê" - TS Thanh cho biết.

Theo ông Thanh, dựa vào kết quả đã nghiên cứu này, địa phương có thể hoàn thiện hệ thống công trình kiểm soát mặn, tăng tích trữ nước ngọt trong vùng.