Theo nhóm tác giả (kỹ sư Chu Văn Tiệp và TS Nguyễn Văn Biếu - Trung tâm Tư vấn, Đào tạo và Chuyển giao tiến bộ khoa học nông nghiệp) đặc điểm của phương pháp cấy lúa hàng biên là lúa được cấy với mật độ 8-16 khóm/m2 (cấy 2-3 dảnh/khóm). Đây là điểm khác biệt so với phương pháp cấy 45-50 khóm/m2 mà nhiều nơi đang áp dụng, khác với phương pháp canh tác lúa cải tiến SRI với ít nhất 3 khóm/m2.
Nhờ vậy, nông dân có thể tiết kiệm được 3/4 lượng giống và kèm theo đó là các chi phí làm mạ (tiền mua giống, cày bừa đất mạ, công lao động gieo, chăm sóc, nylon che phủ, phân bón, phòng trừ sâu bệnh, công nhổ mạ…); tiết kiệm 1/2 đến 3/4 công cấy. Bên cạnh đó phương pháp này còn giúp tiết kiệm được 30% phân bón, ít nhất 50-70% thuốc trừ sâu bẹnh và các chi phí phun… và năng suất lúa lại tăng 15-25% so với các phương pháp cấy khác.
Giống lúa TBR225 cấy theo phương pháp lúa hàng biên. Ảnh: Minh Tiến
“Nhờ giảm phân bón và thuốc trừ sâu bệnh nên sản phẩm gạo làm ra sạch hơn, không còn dư lượng độc hại và gần với tiêu chuẩn nông sản hữu cơ hơn. Mô hình cũng góp phần quan trọng vào giảm thiểu ô nhiễm môi trường qua việc giảm phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật và giảm thiểu phát thải khí nhà kính…” - kỹ sư Chu Văn Tiệp cho biết.
“Vĩnh Bảo là huyện đầu tiên trên cả nước áp dụng phương pháp này trên diện tích rộng”- TS Biếu nói và cho biết có được kết quả trên là do sự chỉ đạo quyết liệt của Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Bảo Nguyễn Trọng Nhưỡng khi thấy được lợi ích, hiệu quả của phương pháp này.
Theo ông Đinh Xuân Thắng - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Bảo, hiệu quả của phương pháp cấy lúa hàng biên được thể hiện rõ nhất trong vụ mùa 2017 vừa qua. Bởi vụ mùa 2017, miền Bắc xuất hiện bệnh lùn sọc đen, một bệnh nguy hiểm do virus lùn sọc đen phương Nam gây ra hiện bệnh chưa có thuốc đặc trị. Và theo thống kê của Chi cục Bảo vệ thực vật Hải Phòng, vụ mùa 2017, ước tính khoảng 1.252ha diện tích lúa trên toàn thành phố bị hại do bệnh lùn sọc đen, trong đó diện tích lúa mất trắng là 101ha, tập trung chủ yếu ở 3 huyện Thủy Nguyên, An Lão và Vĩnh Bảo.
“Mặc dù chưa có nghiên cứu chính thức nhưng những nơi bị nhiễm bệnh lùn sọc đen đều không cấy theo phương pháp lúa hàng biên.” – ông Đinh Xuân Thắng nói.
Nhóm tác giả đã tập huấn cho 29 xã và một thị trấn trong toàn huyện với mỗi lớp tập huấn từ 150-200 hộ dân cùng cán bộ hai trạm bảo vệ thực vật và khuyến nông của huyện. Trên cơ sở đó các cán bộ sẽ tiếp tục mở lớp tập huấn đến tất cả các thôn trong huyện.
Ngay từ vụ xuân 2018, khoảng 2.000ha lúa (chiếm 20% diện tích) toàn huyện Vĩnh Bảo được bà con chủ động cấy theo phương pháp này. “Đây cũng là huyện đầu tiên trên cả nước đã chủ động thực hiện tốt mối quan hệ giữa Nhà nước, nông dân, nhà khoa học trong phương pháp cấy lúa mới” – TS Biếu nhận định và cho biết hiện huyện cũng đang thử nghiệm đưa thêm nhà doanh nghiệp (đầu tư và bao tiêu sản phẩm), truyền thông (tăng cường giám sát) vào mô hình liên kết mới.