Với tính cách nhanh nhạy, ăn chắc mặc bền, anh Nguyễn Vạn Thành (Hiệp Thành, Châu Thành, Long An) đã đưa hợp tác xã từ chỗ sắp phá sản trở nên nổi tiếng trong giới xuất khẩu thanh long.
Giới xuất khẩu thanh long miền Nam biết đến Hợp tác xã (HTX) Vạn Thành từ vài năm trở lại đây có lẽ do HTX này vào được những thị trường khó tính trên thế giới thay vì chọn thị trường dễ tính là Trung Quốc.
Lấy liên minh để phát triển
Tôi tìm đến HTX Vạn Thành cũng tình cờ, trong lúc tìm hiểu vì sao 3/5 HTX xuất khẩu thanh long tỉnh Long An rơi vào khủng hoảng cần phải cơ cấu lại. HTX Vạn Thành trong bối cảnh này càng nổi lên như một HTX ăn nên làm ra.
Anh Vạn Thành – Chủ tịch HĐQT HTX Vạn Thành, tiếp tôi trong một căn phòng khách khá giản dị của HTX. Anh Thành kể, nông dân xã Hiệp Thành làm quen với cây thanh long từ thập kỷ 80 (thế kỷ trước). Lúc bấy giờ, cây thanh long được một số nông dân cho bám chằng chịt vào những bụi cây tầm vông sống.
So với nghề trồng thanh long ở Bình Thuận, Ninh Thuận, nghề trồng thanh long ở xã Hiệp Thành không chỉ ăn đứt về thâm niên mà còn biết sớm hơn kỹ thuật xông đèn cho thanh long ra trái trái vụ.
Sau khi đi bộ đội về, anh Thành bắt đầu kết duyên với cây thanh long như một nghề “cha truyền con nối”. Biệt danh Thành “khùng” cũng chính từ cái nghề trồng thanh long mà ra. Lúc đó, cây trụ trồng thanh long nông dân đều dùng từ cây gỗ. Nhưng rồi cây gỗ ngày càng khan hiếm, mà trồng thời gian cũng mục ruỗng phải thay mới, thấy vậy Thành đổi cây trụ từ gỗ sang cột bê tông.
Nghĩ vậy, Thành “khùng” bắt đầu đi rủ rê nông dân trồng thanh long thành lập HTX. 30 nông dân đồng ý trở thành thành viên và góp vốn xây dựng trụ sở HTX. Khi trụ sở hình thành, tiêu tốn gần 1 tỷ đồng thì 20 thành viên xin rút tên. Thành “khùng” phải bỏ tiền túi để bù vào kinh phí thiếu hụt. “Họ chưa tin mình, nên đành chịu” - anh thất vọng.
Chưa hết, vụ xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc trong năm đó thua lỗ cả tỷ đồng. Gần như vốn liếng của HTX đổ sông đổ biển. HTX đứng bên bờ vực phá sản. Thất vọng, một số thành viên đệ đơn xin rút khỏi HTX.
Hết vốn, anh Thành vẫn không nản lòng gầy dựng lại HTX Vạn Thành. Để HTX có hàng bán, có doanh thu, anh lấy thanh long vườn nhà hoặc năn nỉ mua trước, trả sau thanh long của những thành viên còn lại.
Thấy xuất thanh long đi Trung Quốc quá phiêu lưu, anh Thành tìm cách lôi kéo hợp đồng và nguồn hàng xuất đi Nhật. “Tôi biết, để lấy lại uy tín, để gầy dựng lại HTX thì phải kiếm được hợp đồng đem lại doanh thu cho HTX và lợi nhuận cho các thành viên” - anh chia sẻ.
Các hợp đồng xuất hàng đi Nhật ngày càng tới tấp, đồng nghĩa với việc các thành viên HTX phải làm hàng sạch. Tất cả vật tư nông nghiệp, thuốc BVTV đều được phía doanh nghiệp Nhật cung cấp, cũng như bao tiêu sản phẩm, các thành viên HTX Vạn Thành chỉ việc “gia công”.
Theo anh Thành, chỉ riêng thị trường Nhật, từ năm 2013 đến nay, mỗi tuần anh xuất vài ba chục tấn thanh long. Thành công với thị trường Nhật, anh Thành lấn sân sang các thị trường khác như: Hàn Quốc, Canada, Mỹ…
Từ chỗ ban đầu chỉ có khoảng chục người, giờ HTX có 120 thành viên với diện tích hơn 100ha chuyên trồng thanh long sạch xuất khẩu sang các thị trường khó tính.
“Giờ thấy thị trường nào chắc ăn tôi mới xuất hàng. Nguyên tắc của tui là thà lời ít mà ăn chắc để đem lợi nhuận về cho các thành viên HTX. Chính vì vậy, nhiều nông dân đã xin vào HTX. Chúng tôi liên minh hỗ trợ nhau cùng phát triển” - anh tâm sự.
Mọi thành viên đều sung túc
Hôm chúng tôi đến HTX, anh Thành đang tất bật với các cuộc gọi đặt hàng của đối tác. Theo anh Thành, anh đang đốc thúc các thành viên HTX cắt thanh long đóng hàng “bay” (xuất bằng đường hàng không) cho một đối tác Nhật Bản. “Thanh long xuất bằng đường hàng không số lượng không lớn nhưng giá tốt. Họ đang khát hàng nên mới đặt hàng “bay” để cung ứng gấp cho thị trường”- anh thổ lộ.
Thay vì chọn xuất thanh long đi thị trường dễ tính, anh Thành đã xuất hàng sang thị trường khó tính bởi sự an toàn. Ảnh: T.Đ
Sau 5 năm đưa HTX vào hoạt động, anh Thành tính “không còn thành viên nào nghèo nữa, tất cả đều giàu có hết”. “Các thành viên lâu nay lấy lại hết vốn góp vào HTX rồi. Họ chỉ còn chờ lấy lời thôi” - anh cười nói.
Chỉ tay sang ngôi biệt thự đối diện HTX, anh Thành bộc bạch, ngôi biệt thự đấy là của một thành viên HTX. Trước đây thành viên này là một thợ xây. Thấy trồng thanh long có lãi, anh đã chuyển đổi 7.000 m2 đất sang trồng thanh long và xin làm thành viên HTX Vạn Thành. “7 công đất trồng thanh long đã đem lại cho anh ấy lợi nhuận mỗi năm hàng tỷ đồng” - anh Thành cho biết.
Anh Thành tính, với 1ha chỉ cần bỏ ra 100 triệu đồng để đầu tư thanh long. Nếu xông đèn đạt và thanh long được giá thì người nông dân sẽ… “trúng”. Anh nhận định, thực tế trong năm sẽ có những lúc thanh long rớt giá, nhưng tính chung cả năm thì hầu hết nông dân trồng thanh long đều có lời.
Giờ về xã Hiệp Thành thấy đâu đâu cũng vườn thanh long ngút ngàn, biệt thự, ô tô. Thành “khùng” lâu nay cũng đã sắm ô tô đi giao dịch, chở con lên thành phố học… Nghĩ lại, Thành “khùng” quả thật không khùng.