Để phát triển bền vững và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, Long An đã và đang cố gắng bảo tồn hệ sinh thái, đa dạng sinh học và các nguồn gene quý, điển hình là ở Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen và Khu bảo tồn dược liệu Đồng Tháp Mười.

Quá trình khai phá vùng Đồng Tháp Mười đã mang lại cho Long An những kết quả nổi bật về kinh tế - xã hội, nhưng một số diện tích đất ngập nước tự nhiên quan trọng có tính đa dạng sinh học cao, nhiều nguồn gene quý hiếm đã bị suy thoái và mất đi, nhất là các loài cây dược liệu.

Để phát triển bền vững và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, Long An đã và đang cố gắng bảo tồn hệ sinh thái, đa dạng sinh học và các nguồn gene quý, điển hình là ở Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen và Khu bảo tồn dược liệu Đồng Tháp Mười.

Phó Giáo sư - tiến sỹ Phạm Xuân Đà - Cục trưởng Cục Công tác phía nam, Bộ Khoa học và Công nghệ - phát biểu tại hội thảo. Nguồn: Sở KH&CN Long An

Trước đây, Long An có hàng ngàn hécta tràm gió tại nhiều khu vực nhưng diện tích cây này thu hẹp dần, có nơi mất hẳn. Hiện ngoài Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen rộng 5.030ha, chỉ duy nhất Khu bảo tồn dược liệu Đồng Tháp Mười tại Bình Phong Thạnh có 965ha tràm gió.


Ngoài thành tích trên, các nhiệm vụ bảo tồn từ năm 2011 đến nay tại Long An cũng đạt nhiều thành tựu như: Theo dõi, chăm sóc, tu bổ định kỳ những dược liệu đã có; nghiên cứu thực vật học và các đặc tính sinh thái để xây dựng bộ ảnh và tiêu bản; hoàn chỉnh các phương pháp nhân giống những cây thuốc đã sàng lọc và bảo tồn, xây dựng quy trình và vườn ươm giống; nghiên cứu thành phần hóa học của các cây thuốc đã sàng lọc; xây dựng bản đồ bảo tồn gene đầy đủ, rõ ràng và chính xác; thương mại hóa một số mẫu dược liệu và tinh dầu; sưu tầm và trồng mới các loại cây dược liệu như vối, nhàu...

Tại hội thảo "Bảo tồn đa dạng sinh học - nguồn gene cây dược liệu vùng Đồng Tháp Mười, tỉnh Long An" do Sở KH&CN Long An và Công ty CP nghiên cứu bảo tồn và phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười tổ chức ngày 8/8, nhiều nhà quản lý, nhà khoa học đã đưa ra ý kiến đóng góp thiết thực về công tác này. UBND tỉnh đã tiếp thu và chỉ đạo các sở, ngành tham mưu đề xuất, hoàn thiện kế hoạch bảo tồn đa dạng sinh học và nguồn gene trong tỉnh.

Đối với Khu bảo tồn dược liệu Đồng Tháp Mười, nhiều công việc sẽ được tập trung thực hiện trong thời gian tới như: Xây dựng và thực hiện đầy đủ các chức năng, nhiệm vụ, quy chế về bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học các loài và nguồn gene; sưu tầm, phục hồi các loài cây dược liệu bản địa và trồng thêm các loài mới có nguồn gene quý hiếm; phối hợp với các viện, trường thực hiện các đề tài nghiên cứu ứng dụng, đáp ứng yêu cầu chế biến thêm nhiều loại dược phẩm, tinh dầu, thực phẩm chức năng có giá trị cao; gắn bảo tồn với phát triển kinh tế - xã hội, kết hợp phát triển du lịch cảnh quan tự nhiên, du lịch nghỉ dưỡng và chữa bệnh theo y học cổ truyền, góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân và phát triển du lịch sinh thai.