Năng suất, lợi nhuận cao
Ông Chu Xuân Tiến - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Lạng Sơn - cho biết, sự thu hẹp diện tích đất nông nghiệp khiến xu hướng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đang ngày một thịnh hành. Bắt kịp xu hướng đó, từ năm 2014, trung tâm đã nghiên cứu và triển khai mô hình sản xuất cây trồng trong nhà lưới, nhà kính, trong đó dưa thơm được lựa chọn là cây chính.
7 giống dưa thơm nhập từ Đài Loan (gồm ngân huy, kim cô nương, tú phụng, thu hương, bảo khuê, thiên nữ, chu phấn) đã được đưa vào trồng trong nhà lưới, nhà kính, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt với diện tích 500m2/vụ. Kết quả cho thấy, dưa thơm rất phù hợp sinh trưởng trong điều kiện ứng dụng công nghệ cao.
Nông dân tham quan mô hình trồng dưa trong nhà kính, nhà lưới tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Lạng Sơn. Ảnh: H. Đức
Hệ thống gồm nhà lưới, nhà kính được dựng bằng khung, vòm kết cấu ống thép mạ kẽm, mái lợp plastic, xung quanh xây tường chống chuột, rắn và lưới nhựa chống côn trùng. Theo tính toán của trung tâm, với diện tích canh tác 1.000m2, tổng chi phí đầu tư trung bình khoảng 430 triệu đồng.
“Mỗi mét vuông trồng 1,2-1,3 cây dưa, mỗi cây cho một quả nặng từ 1,5-1,7kg. Với giá bán hiện nay là 35.000-40.000 đồng/kg, có thể thấy lãi ròng khá cao. Chỉ tính giá trung bình cũng có thể lên tới 510 triệu đồng/1.000m2” - ông Tiến nói. Với con số đầu tư và doanh thu đó, có thể tính ra mỗi vụ 3 tháng, lãi trên 1.000m2 là 80 triệu đồng, mỗi tháng xấp xỉ 27 triệu đồng.
Kết quả khảo nghiệm các giống dưa cũng cho thấy, 89% số quả đạt giá trị thương phẩm về màu sắc, hình dạng, khối lượng, kích thước. Dưa trồng trong nhà lưới, nhà kính ngọt và thơm hơn dưa trồng ngoài vườn. Một số giống cho năng suất cao như dưa thơm bảo khuê từ 3,5-4,3kg/quả, đạt 32,6 tấn/ha; dưa tú phụng 30,1 tấn/ha; dưa chu phấn 29,4 tấn/ha...
Không dễ nhân rộng
Theo Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Lạng Sơn, mỗi năm có thể khai thác 2 vụ dưa, sau đó có thể trồng cây vụ đông (rau hoặc cà chua) để tận dụng tối đa số tiền đầu tư ban đầu, hoàn toàn không lo ảnh hưởng của thời tiết.
Ông Hoàng Văn Thành - một người dân thành phố Lạng Sơn - cho biết gia đình ông đang muốn đầu tư nông nghiệp công nghệ cao và đã tìm hiểu mô hình trồng dưa thơm kể trên: “Có thể thấy lợi ích lớn nhất từ công nghệ này là nhà trồng khép kín, hệ thống tưới tự động nên quả dưa sạch bệnh, giá trị cao, không lo thời tiết chi phối. Tuy nhiên, đầu tư ban đầu khá lớn và sợ đầu ra không ổn định nên tôi vẫn đang cân nhắc”.
Để mô hình được nhân rộng, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Lạng Sơn thường xuyên tổ chức hội thảo, hội nghị, tham quan mô hình, hướng dẫn để người dân nắm bắt lợi ích, quy trình công nghệ. Tuy nhiên ông Tiến lo ngại, tuy trung tâm sẵn sàng chuyển giao quy trình sản xuất nhưng do đây là công nghệ áp dụng có điều kiện (về chi phí và đòi hỏi tuân thủ kỹ thuật) nên không dễ nhân rộng.