Rất nhiều tỉnh, thành phố có cơ hội kiếm bộn tiền từ việc xây dựng và bảo vệ, khai thác các tài sản trí tuệ du lịch. Tuy nhiên, phần lớn các địa phương chỉ đang khai thác các giá trị trước mắt.
Chưa quan tâm đến sản phẩm đặc thù
Ông Lê Ngọc Lâm - Phó Cục trưởng Cục
Sở hữu trí tuệ (SHTT), Bộ Khoa học và Công nghệ - cho biết, các địa danh hay thành phố du lịch như Quảng Ninh, Huế, Hội An, Nha Trang, Vũng Tàu, Phong Nha, Phú Quốc hiện nay đều đã có tên gọi hay biểu tượng gắn với văn hóa, sản vật địa phương. Những tên gọi, biểu tượng này đang được sử dụng rộng rãi, nhưng không có tiêu chuẩn và thông điệp thống nhất đi kèm để trở thành một biểu tượng chung cho điểm đến và mang lại nguồn lợi to lớn cho địa phương.
Đơn cử như trường hợp thành phố Hải Phòng, tính đến hết năm 2015, địa phương này có hơn 500 doanh nghiệp thực hiện các thủ tục xác lập quyền SHTT cho trên 300 đối tượng SHTT. Tuy nhiên, 90% trong số đó là doanh nghiệp sản xuất hàng hoá vật chất. Số doanh nghiệp du lịch tạo dựng, xác lập và phát triển tài sản trí tuệ chưa nhiều.
Lý giải thực trạng này, ông Lâm cho rằng do đây là lĩnh vực tương đối đặc thù, phần lớn địa phương chỉ đang khai thác các giá trị trước mắt, dựa vào tài sản vốn có của thiên nhiên, lợi thế về phong cảnh chứ chưa chú trọng đẩy mạnh các sản phẩm đặc thù phù hợp với khách du lịch và kết hợp với các khu du lịch để quảng bá cho sản phẩm. Các địa phương chưa quan tâm nhiều đến việc khai thác những thế mạnh đó để tạo ra sản phẩm vô hình thúc đẩy du lịch phát triển hơn.
“Có thể nói đây là một điểm yếu của chúng ta. Đã đến lúc các doanh nghiệp, người dân địa phương, các cơ sở sản xuất cũng phải nghĩ đến sản phẩm riêng, đặc thù cho chính vùng du lịch đó. Phải nêu bật được hình ảnh của mình với du khách, càng đa dạng, phong phú bao nhiêu càng hấp dẫn bấy nhiêu. Trên cơ sở các sản phẩm đó, nên đăng ký hàng loạt đối tượng SHTT để phục vụ du lịch” - ông Lâm nói.
Bài học này được chứng minh từ một số địa phương đã đăng ký nhãn hiệu chứng nhận cho các khu du lịch như đảo Cát Bà của Hải Phòng hay khu du lịch Bà Nà Hill của Đà Nẵng. Những điểm này đã tận dụng khai thác tài sản trí tuệ địa phương để quảng bá du lịch. Hay như thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) gần đây cũng xây dựng thương hiệu điểm đến “Nụ cười Hạ Long”, góp phần tạo ra tài sản trí tuệ địa phương mới.
Xây dựng sản phẩm du lịch dựa vào cộng đồng
Để phát triển điểm du lịch hấp dẫn và thu được nhiều lợi ích từ việc khai thác tài sản trí tuệ địa phương, ông Lê Ngọc Lâm gợi ý: Những địa phương có tiềm lực du lịch nên tập trung vào những điểm du lịch mạnh, tổ chức xây dựng điểm riêng biệt.
Bên cạnh đó, phải nghiên cứu những sản phẩm đặc thù của khu vực, từ đó đẩy mạnh hoạt động du lịch địa phương để các sản phẩm du lịch như quà lưu niệm phải mang nét đặc trưng, gắn với khu du lịch đó. Các địa phương hoặc doanh nghiệp phải tạo ra được sản phẩm, đăng ký SHTT và quảng bá các sản phẩm đó.
“Và khi tạo ra các sản phẩm du lịch, sản phẩm thương mại phục vụ du lịch thì phải chú trọng việc duy trì liên tục và ngày càng phát triển sản phẩm đó. Làm sao để địa phương có năng lực sản xuất ra các sản phẩm đó với số lượng đủ phục vụ du lịch. Nếu chúng ta xây dựng sản phẩm, quảng bá về nó với mong muốn người tiêu dùng mua, đến khi họ cần thì chúng ta lại không có đủ hoặc có nhưng chất lượng không đồng đều, điều này sẽ hủy hoại uy tín của các nhãn hiệu mà địa phương đã xây dựng” - ông Lê Ngọc Lâm chia sẻ.
TS Đồng Xuân Đảm - Viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế, Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội - cũng nhấn mạnh yếu tố cộng đồng trong du lịch. Theo ông, việc tài sản trí tuệ phổ biến ở cộng đồng sẽ giúp cho chúng ta phát triển du lịch bền vững. Du lịch cộng đồng sẽ là loại hình có sự tham gia nhiều nhất của người dân địa phương. Để làm được điều này cần cân bằng lợi ích của khách du lịch, cộng đồng dân cư địa phương.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh: “Dưới góc độ sở hữu trí tuệ, tài nguyên du lịch là nguồn tài sản hết sức quý báu. Nếu biết đầu tư, khai thác xứng đáng tài sản này, chúng ta sẽ tạo ra sự tăng trưởng mạnh mẽ, thúc đẩy phát triển bền vững cho ngành du lịch nói riêng và nền kinh tế nói chung”.
Vấn đề phát triển du lịch bằng nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý – kinh nghiệm và bài học thành công của nhiều nước được đề cập chi tiết tại cẩm nang Sở hữu trí tuệ “Chạm vào tài sản vô hình”. Trong ấn phẩm đặc biệt này của Báo Khoa học và Phát triển có câu chuyện thú vị về dòng chữ “I love New York” trên các vật phẩm lưu niệm của thành phố này, về cách người Hàn Quốc khai thác phim trường bộ phim nổi tiếng trong du lịch… Độc giả có thể đặt mua qua số điện thoại 0938595936 hoặc địa chỉ http://datbaokhoahocphattrien.vn; toasoan@khoahocphattrien.vn. |