Nguyên nhân là chi phí để được công nhận tiêu chuẩn VietGAP đang cao so với khả năng của họ: 17 triệu đồng/3ha.
Mỗi hécta lãi 8 triệu đồng
Năm 2016, theo vận động của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình, gia đình bà Phan Thị Liên ở thôn Trường Niên, xã Hàm Ninh quyết định chuyển đổi 0,7ha đất trồng lúa và hoa màu sang trồng dưa theo tiêu chuẩn VietGAP. Do phù hợp về thổ nhưỡng và khí hậu, 2 giống dưa hoàn châu và phù đồng mà bà Liên trồng cho năng suất tốt, đạt 26 tấn/ha so với năng suất 22 tấn/ha khi áp dụng phương thức canh tác thông thường.
“Dưa Hàm Ninh nổi tiếng thơm, giòn, ngọt, màu đỏ tươi đậm nên nhiều người yêu thích. Giá gia đình tôi bán tại vườn cho thương lái là 9.000-10.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu về là 8 triệu đồng/ha” - bà Liên cho biết. Thắng lợi trong vụ dưa đông xuân, gia đình bà tiếp tục trồng 5ha dưa trong vụ hè thu.
Câu chuyện của gia đình bà Phan Thị Liên là niềm vui chung của những gia đình trồng dưa theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Hàm Ninh. Năm 2016, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Bình triển khai mô hình này trên diện tích 1ha ở xã Quảng Ninh. Đến nay, mô hình được mở rộng ra 3ha.
Vườn trồng dưa của bà con nông dân xã Hàm Ninh. Ảnh: Thùy Nhung
Ông Trần Đức Thuận - chủ nhiệm dự án - chia sẻ: “Việc chuyển đổi từ cây lúa sang những cây khác có giá trị kinh tế cao hơn là chủ trương của tỉnh Quảng Bình. Quảng Ninh là vùng đất trồng dưa nổi tiếng nên chúng tôi đã quyết định triển khai mô hình VietGAP tại đây và thấy hiệu quả rõ rệt. Sau vụ đầu tiên, bà con nông dân tiếp tục trồng dưa theo hướng này để nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu cho dưa”.
Giá dưa VietGAP thường cao hơn so với dưa thường khoảng 2.000 đồng/kg. Nhờ sự đảm bảo về chất lượng nên dưa không chỉ được người dân trong tỉnh tin dùng mà còn được siêu thị Coopmart Quảng Bình lựa chọn thu mua.
Dân muốn được hỗ trợ phí chứng nhận VietGAP
Mặc dù mô hình được đánh giá là hiệu quả nhưng theo ông Trần Đức Thuận, người dân đang gặp khó khăn trong việc đầu tư chi phí để được chứng nhận VietGAP năm thứ hai. “Số tiền để được công nhận VietGAP cho 3ha dưa là khoảng từ 15-17 triệu đồng. Đây là chi phí lớn với những hộ dân làm nông nghiệp, nhất là trong thời điểm hiện nay trời đang mưa nhiều, dưa hấu sẽ không cho chất lượng cao. Vì vậy, nông dân còn đang ngần ngại” - ông Thuận nói.
Theo bà Phan Thị Liên, nếu tính ra chi phí chứng nhận VietGAP cho mỗi hécta là khoảng 5 triệu đồng, trong khi lợi nhuận khá bấp bênh do phụ thuộc vào thời tiết, dịch bệnh. “Dưa trồng theo tiêu chuẩn VietGAP có uy tín cao với người tiêu dùng. Tuân thủ theo quy trình VietGAP, chúng tôi chấp nhận bỏ ra chi phí cao hơn và mất công sức chăm bón hơn. Tuy nhiên, nếu chi phí chứng nhận khoảng 2 triệu đồng thì vừa sức chúng tôi, chứ 5 triệu thì quá sức” - bà Phan Thị Liên nói và tỏ ý rất nuối tiếc nếu sắp tới không tiếp tục được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Để chứng minh tâm huyết của mình đối với việc trồng dưa an toàn, bà Liên cho biết gia đình bà và 4-5 hộ xung quanh đang áp dụng cách diệt sâu bọ bằng chế phẩm từ gừng, tỏi, ớt và rượu. Bà Liên kể: “Xem trên tivi thấy giới thiệu cách làm chế phẩm trừ sâu giá rẻ bằng các nguyên liệu có sẵn tại địa phương, chúng tôi đã làm thử nghiệm và thành công nên quyết định áp dụng”. Cụ thể, để có chế phẩm phun cho 5 sào đất mỗi vụ, họ cần 5kg gừng, 3kg tỏi, 10kg ớt và 20 lít rượu, tổng chi phí thấp hơn nhiều so với dùng thuốc bảo vệ thực vật, lại an toàn với người trồng và người ăn dưa.
“Không dùng thuốc bảo vệ thực vật để bảo vệ sức khỏe của mọi người là suy nghĩ của chúng tôi. Nhiều gia đình khi biết cách làm này nên đã đặt tiền trước để mua dưa ăn dần. Đầu ra ổn định nên ai cũng phấn khởi trồng. Vì thế, chúng tôi mong Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét hỗ trợ chi phí chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP để chúng tôi tiếp tục yên tâm sản xuất” - bà Liên nhắn nhủ.