Trong khi người chăn nuôi heo truyền thống đang khốn đốn vì giá giảm sâu thì trang trại nuôi heo theo công nghệ Nhật Bản của anh Nguyễn Hữu Hoàng Dương ở thôn 16, xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) vẫn không đủ cung ứng cho thị trường.
Nằm tách biệt với khu dân cư, trang trại chăn nuôi heo theo công nghệ Nhật Bản của anh Nguyễn Hữu Hoàng Dương được đầu tư khá quy mô và bài bản, với khoảng 300 m2 hiện đang nuôi 200 con heo thịt theo những quy định nghiêm ngặt như không sử dụng các loại thuốc kháng sinh, chất tăng trọng…
Trang trại nuôi heo theo công nghệ Nhật Bản của anh Nguyễn Hữu Hoàng Dương. Điểm khác biệt ở công nghệ nuôi heo Nhật Bản so với nuôi heo theo truyền thống chính là thức ăn dành cho heo. Đây là loại cám chế biến bằng các loại nông sản như ngô, đậu nành, bột lúa mạch, gạo tấm, cá cơm…được ủ men vi sinh nhập từ Nhật Bản. Sau 20 ngày sẽ cho ra một loại thức ăn an toàn cho heo, hỗn hợp thức ăn này có nhiều vi sinh vật rất tốt cho hệ tiêu hóa giúp heo khỏe mạnh, ít bị bệnh tật, năng suất cao và bảo đảm chất lượng thịt heo thơm ngon, sạch theo tiêu chuẩn bên Nhật Bản đưa ra.
Ông Lý Ngọc Dưỡng, kỹ sư chăn nuôi của trang trại cho biết, nuôi heo theo công nghệ Nhật Bản phải tuân thủ đúng quy trình về lượng thức ăn, bữa ăn, đồng thời theo dõi sát từng bữa ăn của heo, xem con nào ăn ít, ăn nhiều để điều chỉnh. Đặc biệt, thức ăn của heo phải được bảo quản tốt, luôn đậy kín để bảo đảm vệ sinh và không để hư hỏng, như vậy thì chất lượng thịt mới bảo đảm.
Hiện nay, giá thành nuôi heo theo công nghệ này không cao so với phương pháp nuôi heo truyền thống, khoảng trên, dưới 3 triệu đồng/con (80-100 kg) nhưng giá bán rất ổn định 45.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí thì người nuôi lãi tầm 600 – 1 triệu đồng/con. Trong khi thị trường thịt heo đang ế ẩm, giá xuống thấp thì heo ở trang trại anh Dương vẫn không đủ để cung cấp cho khách hàng, tính đến nay, trang trại đã xuất khoảng trên 100 con heo ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Để bảo đảm chăn nuôi lâu dài và hiệu quả, trang trại đã áp dụng tiêu chuẩn VietGAP và đang được cơ quan chức năng hỗ trợ thực hiện để cấp giấy chứng nhận.
Anh Nguyễn Hữu Hoàng Dương chủ trại heo cho hay, với mong muốn thay đổi cách sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm để xâm nhập thị trường nước ngoài, anh đã đứng ra liên kết với một người Việt kiều Nhật Bản thành lập Công ty Cổ phần sản xuất và thương mại Cám Fukoku Tây Nguyên, ngoài việc thực hiện chăn nuôi theo công nghệ Nhật Bản, quản lý từ khâu con giống, thức ăn đến giết mổ đúng quy trình bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định, công ty còn sản xuất cám bán cho người chăn nuôi để nông dân tiếp cận với quy trình nuôi heo sạch và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Hiện nhu cầu về thịt heo sạch bên thị trường Nhật Bản khá cao, khoảng 100 tấn thịt/tháng, để đáp ứng nhu cầu thị trường quy mô nuôi phải tầm 6.000 con. Đáng mừng hơn nữa là thịt heo nuôi ở trang trại của anh Dương đã được một đối tác thu mua ở Nhật Bản kiểm tra đáp ứng đầy đủ các yêu cầu đề ra. Công ty đang hướng đến khu công nghiệp cao ở huyện Cư M’gar để mở rộng quy mô sản xuất, đồng thời liên kết với các hộ chăn nuôi đủ điều kiện nhằm đáp ứng nhu cầu thịt heo sạch trong nước và xuất khẩu sang Nhật Bản.