Số doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN) của Thanh Hóa hiện nay đứng thứ ba cả nước, chỉ sau Hà Nội và TPHCM. Đây là kết quả sự nỗ lực của tỉnh nhằm tạo động lực tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng chí Nguyễn Quân - Ủy viên TW Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN cùng lãnh đạo tỉnh và ngành KH&CN Thanh Hóa thăm doanh nghiệp KH&CN: Công ty CP Công Nông nghiệp Tiến Nông;
Đồng chí Nguyễn Quân - Ủy viên TW Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN cùng lãnh đạo tỉnh và ngành KH&CN Thanh Hóa thăm doanh nghiệp KH&CN: Công ty CP Công Nông nghiệp Tiến Nông.

Doanh nghiệp KH&CN là loại hình doanh nghiệp ứng dụng thành công các hoạt động nghiên cứu của chính họ hoặc kết quả nghiên cứu từ các viện, trường đại học, hoặc kết quả nghiên cứu chuyển giao từ nước ngoài mà họ được quyền sở hữu và sử dụng hợp pháp. Đây không chỉ là cầu nối đưa nhanh các kết quả nghiên cứu, ứng dụng KH&CN chuyển giao vào sản xuất mà còn đóng vai trò như một lực lượng sản xuất chủ lực, tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Xác định rõ điều đó, những năm qua Thanh Hoá luôn quan tâm xây dựng, phát triển các doanh nghiệp KH&CN trên địa bàn tỉnh và đã đạt những kết quả đáng khích lệ.

Ngay sau khi Nghị định số 80/2007/NĐ-CP về doanh nghiệp KH&CN của Chính phủ được ban hành, Sở KH&CN Thanh Hóa đã phối hợp với các ngành, địa phương và các cơ quan truyền thông tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trong tỉnh thành lập doanh nghiệp KH&CN. Cùng với đó, sở tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học về chủ đề xây dựng và phát triển doanh nghiệp KH&CN. Hoạt động này hướng đến việc nâng cao nhận thức của lãnh đạo các cấp, các ngành, các tổ chức và cá nhân về vai trò của KH&CN đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp; tầm quan trọng của việc hình thành doanh nghiệp KH&CN đối với phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà cũng như những kiến thức có liên quan đến quá trình hình thành doanh nghiệp KH&CN, các hoạt động hỗ trợ ươm tạo và phát triển doanh nghiệp KH&CN…

Theo quy định, để được công nhận là doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp phải hoàn thành việc ươm tạo và làm chủ công nghệ từ kết quả KH&CN được sở hữu hoặc sở hữu hợp pháp công nghệ thuộc các lĩnh vực công nghệ ưu tiên và trực tiếp sản xuất sản phẩm hoặc chuyển giao công nghệ đã làm chủ đó. Trên cơ sở các tiêu chí, điều kiện về doanh nghiệp KH&CN, sở đã tích cực hướng dẫn các doanh nghiệp lập hồ sơ và tổ chức thẩm định hồ sơ đăng ký chứng nhận doanh nghiệp KH&CN. Đến nay, toàn tỉnh đã có 10 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận này (đứng thứ ba trong toàn quốc, sau Hà Nội và TPHCM). Tuy số doanh nghiệp KH&CN chưa nhiều, song đã khẳng định được sự quan tâm của các cấp, các ngành và trực tiếp là Sở KH&CN Thanh Hóa cũng như chính bản thân các doanh nghiệp trong việc xây dựng và hình thành doanh nghiệp KH&CN, góp phần tạo nên động lực mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Trong số 10 doanh nghiệp KH&CN của tỉnh đã có một số doanh nghiệp thành lập tổ chức nghiên cứu và phát triển; tập trung đầu tư cơ sở vật chất - kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực KH&CN, nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao KH&CN phục vụ sản xuất và đời sống. Điển hình là Công ty cổ phần công - nông nghiệp Tiến Nông (doanh nghiệp KH&CN đầu tiên của Thanh Hóa), Công ty TNHH Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn. Nhiều doanh nghiệp đã không ngừng đưa các sản phẩm mới từ kết quả nghiên cứu KH&CN ra thị trường như: Công ty cổ phần Giống cây trồng Thanh Hóa với giống lúa lai 3 dòng Thanh Hoa 1 và giống lúa Thuần Việt 1; Công ty cổ phần công - nông nghiệp Tiến Nông với sản phẩm phân bón N-P-K-Si có hàm lượng si dễ tiêu; Công ty quảng cáo Ánh Dương với hệ thống máy chế bản chân không AD-BBB mạ vàng, bạc, đồng; Công ty TNHH Minh Lộ với các phần mềm ứng dụng sử dụng trong các bệnh viện (phần mềm quản lý bệnh viện MinhLoBVST, phần mềm điều hành hỗ trợ xếp hàng tự động và phân luồng bệnh nhân Minh Lộ QMS, phần mềm kết nối xét nghiệm BVSTLIS...).

Thanh Hóa có trên 8.000 doanh nghiệp đang hoạt động, nhưng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Doanh thu, lợi nhuận trước thuế chưa cao, kinh phí đầu tư cho hoạt động KH&CN còn hạn chế. Mặt khác, việc thực hiện các cơ chế, chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp KH&CN cũng còn nhiều khó khăn, lúng túng, đặc biệt là chính sách ưu đãi về tiền thuê đất. Điều này ảnh hưởng không ít đến công tác phát triển doanh nghiệp KH&CN của tỉnh.

Để tiếp tục thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp KH&CN, tạo đòn bẩy nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, sức cạnh tranh, cùng với các chính sách hỗ trợ của trung ương và của tỉnh, các doanh nghiệp cần quan tâm đầu tư, đổi mới công nghệ, thiết bị, chủ động hợp tác với các tổ chức KH&CN, các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước. Ngoài ra, các ngành chức năng có liên quan cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mô hình doanh nghiệp KH&CN; xúc tiến thành lập câu lạc bộ doanh nghiệp KH&CN, tạo diễn đàn để các doanh nghiệp trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong quá trình sản xuất, kinh doanh, cùng nhau hợp tác phát triển. Cần triển khai quy định về giao quyền sở hữu kết quả nghiên cứu từ các nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước để các doanh nghiệp có nhu cầu và đủ điều kiện áp dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh; xây dựng chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN tỉnh Thanh Hóa nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp trong việc ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN. Ngoài ra, cần đầu tư cơ sở vất chất, kỹ thuật, đào tạo nhân lực KH&CN, xây dựng và phát triển doanh nghiệp KH&CN của tỉnh phát triển bền vững. Qua đó, KH&CN sẽ thực sự trở thành động lực và là khâu đột phá trong sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020 đã xác định: “Nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân”.