Sở KH&CN TPHCM đang tập trung triển khai đề án “Xây dựng cơ chế thúc đẩy để hình thành và phát triển Trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế”, do UBND TPHCM ban hành ngày 11/12/2023.

Ngày 11/1, Sở KH&CN TPHCM tổ chức Hội nghị triển khai đề án “Xây dựng cơ chế thúc đẩy để hình thành và phát triển trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế” và “Hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 19/2023/NQ-HĐND ngày 11/11/2023 của Hội đồng nhân dân Thành phố”.

Mục tiêu của Đề án nhằm hỗ trợ một số tổ chức KH&CN công lập có tiềm lực trên địa bàn TPHCM phát triển thành trung tâm nghiên cứu ứng dụng, đổi mới sáng tạo đạt chuẩn quốc tế. Đề án phấn đấu đến cuối năm 2025, có ít nhất 2 đơn vị tiệm cận trình độ quốc tế; đến năm 2030 có ít nhất 5 đơn vị tiệm cận, đạt chuẩn quốc tế; đến 2045 có ít nhất 5 đơn vị đạt chuẩn quốc tế.

Theo Đề án, tiêu chí của trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế gồm: Công bố trung bình mỗi năm ít nhất 10 bài báo trên các tạp chí khoa học trong cơ sở dữ liệu Web of Science, Scopus; được cấp ít nhất 5 bằng độc quyền sáng chế hoặc giải pháp hữu ích, hoặc 10 văn bằng bảo hộ giống cây trồng, hoặc 5 văn bằng bảo hộ đối với thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn.

Ngoài ra, các tổ chức phải có ít nhất 10 hoạt động chuyển giao công nghệ, hoặc 10 hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, hoặc có 1 sản phẩm KH&CN được công nhận; có ít nhất 3 hợp đồng hợp tác nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo với các tổ chức nghiên cứu phát triển, doanh nghiệp. Đồng thời, tổ chức KH&CN công lập cũng cần có năng lực phát triển bền vững, năng lực lãnh đạo, quản trị tổ chức và hiệu quả ứng dụng phục vụ phát triển Thành phố.

Một số tổ chức KH&CN công lập được hỗ trợ phát triển thành trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế.   Ảnh: NQ
Một số tổ chức KH&CN công lập được hỗ trợ phát triển thành trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế. Ảnh: NQ

Trong 5 năm đầu, tổ chức nghiên cứu phải đạt các chỉ tiêu như số bài báo quốc tế, số bằng độc quyền sáng chế, số lượt chuyển giao công nghệ, số nghiên cứu được thương mại hóa, số lượng hợp đồng hợp tác nghiên cứu, số chính sách được ứng dụng, tăng từ 2 - 5 lần tùy lĩnh vực so với trước khi tham gia triển khai Đề án. Định kỳ 3 - 6 tháng, tổ chức tham gia phải thực hiện chế độ báo cáo. Nếu không đạt yêu cầu, Sở KH&CN TPHCM có thể xem xét chấm dứt ở bất cứ giai đoạn nào.

Khi tham gia, các trung tâm này được hưởng một số chính sách ưu đãi đặc thù, thu nhập cho lãnh đạo tối đa 120 triệu đồng, chính sách thù lao thực hiện nhiệm vụ KH&CN mức 60 triệu đồng cho chủ nhiệm đề tài, cùng các chính sách ưu tiên đầu tư phòng thí nghiệm và trang thiết bị, hỗ trợ nâng cao năng lực,...

Thành phố lựa chọn ưu tiên bốn nhóm lĩnh vực tham gia đề án gồm: công nghệ điện tử - công nghệ thông tin; công nghệ sinh học; vật liệu mới; nghiên cứu chính sách phát triển thành phố.

Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TPHCM, Đề án là một cách để Thành phố tập trung đầu tư nguồn lực vào các nhóm nghiên cứu mạnh, trung tâm xuất sắc, giúp tinh gọn trong phân bổ ngân sách cho KH&CN, tránh đầu tư dàn trải. Vì vậy, ông Dũng khuyến khích các đơn vị nghiên cứu mạnh, hợp tác trong và ngoài nước để giải quyết các vấn đề thực tiễn bằng sản phẩm cụ thể, từ đó giúp hình thành trung tâm đạt chuẩn quốc tế.

Ông Dũng cho biết thêm, toàn bộ quy trình tuyển chọn đơn vị tham gia Đề án được thực hiện theo nguyên tắc công khai, minh bạch với tiêu chí rõ ràng, được thẩm định bởi hội đồng chuyên môn độc lập.