UBND TPHCM vừa công bố danh mục 28 dự án kêu gọi đầu tư phát triển tăng trưởng xanh, với tổng số vốn gần 16 nghìn tỷ đồng.

Trong đó, có 6 dự án liên quan đến công nghệ cao gồm 5 dự án thuộc nhóm nghiên cứu và triển khai lĩnh vực điện tử, vi mạch bán dẫn, công nghệ sinh học, với tổng giá trị vốn kêu gọi đầu tư gần 4.400 tỉ đồng. Bên cạnh đó, dự án Trung tâm Dữ liệu (Data Center) trên diện tích 3 ha có vốn đầu tư 6.950 tỉ đồng.

Ngoài ra, Thành phố còn kêu gọi đầu tư các dự án thuộc hạ tầng giao thông như: Nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 (TP Thủ Đức), dài 5,9km, tổng vốn đầu tư 13.850 tỷ đồng; Xây dựng đường trên cao tuyến số 5 (từ nút giao trạm 2 đến nút giao An Sương), dài 21km, tổng vốn đầu tư 15.400 tỷ đồng; Nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 (từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An), dài 5,9km, tổng vốn đầu tư 13.851 tỷ đồng; Đầu tư xây dựng đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài (Tây Ninh), dài 50,9km, tổng vốn đầu tư 19.803 tỷ đồng; Đầu tư xây dựng cầu Cần Giờ (nối huyện Nhà Bè với huyện Cần Giờ), tổng vốn đầu tư 10.569 tỷ đồng…

Riêng tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức), Thành phố kêu gọi đầu tư các dự án lớn Khu trung tâm tài chính, thương mại dịch vụ tổng hợp và dân cư đa chức năng (diện tích 7,7ha), tổng vốn đầu tư 12.071 tỷ đồng; Quảng trường trung tâm (quảng trường Hồ Chí Minh) và công viên bờ sông, tổng vốn đầu tư 5.348 tỷ đồng...

6
6 dự án được kêu gọi đầu tư vào Khu Công nghệ cao TPHCM. Ảnh: Internet

Các hình thức kêu gọi đầu tư của Thành phố cho các dự án theo hình thức PPP (công - tư phối hợp); BT (xây dựng - chuyển giao); phát hành trái phiếu chính quyền địa phương; vay từ các tổ chức tài chính trong nước; từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho Thành phố vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 120%.

Các thông tin trên được công bố tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vì phát triển xanh TPHCM năm 2024, do UBND TPHCM phối hợp với Ngân hàng Thế giới WB tại Việt Nam tổ chức ngày 24/1.

Tại Hội nghị, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết, TPHCM là một trong 10 thành phố trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Kết quả nghiên cứu gần đây nhất do Viện Môi trường - Tài nguyên (ĐH Quốc gia TPHCM) công bố cho thấy, trung bình mỗi năm, Thành phố phát thải hơn 60 triệu tấn CO2, vì thế, Thành phố chọn tăng trưởng xanh là chiến lược phát triển tương lai, là ưu tiên hàng đầu.

“TPHCM đặt ra mục tiêu giảm phát thải 10% vào năm 2030, trong kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 – 2030, nhằm nỗ lực để xây dựng một môi trường sống và làm việc thuận lợi, an toàn, hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp”, ông Mãi nói.