Mô hình trồng ngô sinh khối làm thức ăn chăn nuôi rút ngắn thời gian sản xuất khoảng 30 ngày, chi phí vật tư giảm khoảng 15%, hiệu quả kinh tế tăng trên 30% so với trồng ngô lấy hạt.

Tại Đắk Lắk hiện nay, ngành chăn nuôi đang phát triển mạnh. Tuy nhiên, nguồn thức ăn chăn nuôi vẫn phải nhập khẩu, khiến chi phí tăng cao trong khi nguồn nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi tại chỗ có nhiều tiềm năng.

Toàn tỉnh có hơn 61 ngàn ha các loại cây trồng ngắn ngày như lúa, ngô, khoai, sắn... Ngoài việc dùng làm lương thực thì các loại cây trồng và phụ phẩm cây trồng ngắn ngày này phù hợp để chế biến thức ăn chăn nuôi, trong đó, ngô là một nguồn quan trọng. Ngoài cung cấp tinh bột, cây ngô còn là thức ăn thô xanh lý tưởng cho bò sữa, bò vỗ béo.

Ngô sinh khối là cây ngô được thu hoạch ở giai đoạn bắp ngô chín sáp (nước trong hạt giảm xuống khoảng 70%), để làm thức ăn cho gia súc ăn cỏ. Thay vì thu hoạch để lấy hạt lúc bắp ngô đã chín hoàn toàn, cây ngô thu hoạch làm thức ăn cho gia súc ở giai đoạn bắp ngô chín sáp đảm bảo độ mềm, giàu dinh dưỡng và sự ngon miệng cho vật nuôi. Toàn bộ cây ngô (thân, lá, bắp) được băm, xay nhỏ cho gia súc ăn trực tiếp, hoặc chế biến sâu hơn thành các thức ăn như ủ chua, viên nén hoàn chỉnh cho gia súc ăn cỏ...

Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, ngô sinh khối có hàm lượng vật chất khô (tổng các thành phần rắn trong thức ăn chăn nuôi sau khi đã làm khô hết nước) rất cao (28-35%), đứng đầu trong số các loại cỏ dành cho thức ăn chăn nuôi. Hàm lượng vật chất khô là chỉ tiêu quan trọng hàng đầu đối với một loại thức ăn thô xanh dành cho vật nuôi. Hiện nay, các doanh nghiệp chăn nuôi bò sữa, bò thịt cũng đang sử dụng ngô sinh khối làm thức ăn thô xanh chính, với yêu cầu hàm lượng vật chất khô chấp nhận được xoay quanh 30-31%.

Ngô
Ngô sinh thái phát triển tốt, ít sâu bệnh. Ảnh: NNC

Bên cạnh đó, các chỉ số như chất xơ không hoà tan trong acid, chất xơ không tan trong dung dịch trung tính, hàm lượng Protein thô... của ngô sinh khối đều ở mức phù hợp đối với thức ăn thô dành cho gia súc ăn cỏ. Ngô cũng được đánh giá có nhiều ưu điểm so với các loại cỏ khác như năng suất khá cao (từ 45-50 tấn/ha/vụ), có thể trồng bằng hạt trên diện tích lớn, chi phí trồng trung bình, dinh dưỡng tốt, dễ tiêu,…

Tại huyện Ea Kar, ngành chăn nuôi đang phát triển mạnh, trong đó có ba đối tượng vật nuôi chính là heo, bò và gia cầm. Theo thống kế của Phòng Kinh tế huyện, giá trị chăn nuôi gia súc của huyện đạt khoảng 31% giá trị của ngành nông nghiệp hằng năm. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi của huyện gặp nhiều khó khăn như dịch bệnh, bãi chăn thả ngày càng thu hẹp, trong khi giá thức ăn công nghiệp tăng cao, nguồn thức ăn ngô xanh ngày càng thiếu hụt,…

Trong bối cảnh đó, Trạm Khuyến nông huyện Ea Kar đã triển khai đề tài “Ứng dụng KH&CN trồng và chế biến ngô sinh khối làm thức ăn phục vụ cho phát triển chăn nuôi đại gia súc tại huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk”, xây dựng mô hình trồng cây ngô sinh khối cho 24 hộ trên địa bàn 7 xã của huyện Ea Kar.

Các hộ được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn làm đất trồng ngô sinh khối, vị trí ủ cây ngô, chuồng trại nuôi bò, xử lý môi trường theo đúng yêu cầu kỹ thuật đảm bảo cho vật nuôi sinh sống và phát triển,... Ngoài ra, các hộ được hỗ trợ một số nguyên vật liệu trong quá trình thực hiện đề tài như giống ngô, các loại phân bón, bao ủ ngô,…

G
Gia súc ăn ngô sinh thái tăng trọng tốt hơn so với thức ăn khác. Ảnh: NNC

Thời gian thu hoạch ngô là 85 ngày, năng suất bình quân đạt 66 tấn/ha. Trong quá trình sản xuất, cây ngô sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu, bệnh hại, thân to, rễ chân kiềng phát triển tốt, có khả năng chống đổ.

Kết quả thực hiện mô hình cho thấy, thời gian sản xuất ngô sinh khối rút ngắn khoảng 30 ngày, chi phí vật tư giảm khoảng 15%, hiệu quả kinh tế tăng hơn 30% so với trồng ngô lấy hạt. Đối với việc nuôi bò bằng thức ăn ủ cây ngô sinh khối với thức ăn truyền thống (cỏ, công nghiệp), thì nuôi bò siêu thịt trong thời gian 1 tháng, giá trị thức ăn giảm khoảng 35%, trong khi trọng lượng tăng hơn 8kg/tháng và giá trị gia tăng là 56%.

Phương pháp gieo trồng ngô sinh khối sẽ rút ngắn được thời vụ. Nhờ đó, người sản xuất có thể bố trí tăng số vụ sản xuất trong 1 năm, giảm nguy cơ rủi ro do điều kiện thời tiết, thiên tai và tăng thêm nguồn thu nhập.

Đề tài đã được Sở KH&CN Đắk Lắk nghiệm thu, kết quả đạt, mở ra hướng sản xuất mới cho bà con nông dân, góp phần nâng cao thu nhập, chủ động nguồn thức ăn cho gia súc trong mùa khô.