Người trồng quýt đang mong đợi các nhà khoa học tìm ra cách “gọi” thêm vị ngọt ngào cho trái quýt Bắc Kạn.
Cây thoát nghèo
Nói về thứ trái cây mọng nước, thơm ngon đặc trưng của vùng đất quê mình, ông Cao Xuân Lãng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn - ngân nga lời hát: “Quýt Quang Thuận vừa thơm vừa mát/Tiếng lượn sli mang hơi ấm bản làng/Quýt Quang Thuận hương thơm say đắm/Để ngày hôm nay đi khắp nẻo đường xa”.
Quýt Bắc Kạn vốn có gốc ở xã Quang Thuận. Vì ăn thấy thơm ngon nên bà con mách nhau, hễ nơi nào có khí hậu, thổ nhưỡng tương đồng là trồng và dần dần có mặt ở nhiều nơi tại Bắc Kạn. Hiện nay, các huyện Bạch Thông, Ba Bể và Chợ Đồn là địa phương có diện tích trồng quýt lớn nhất.
Năm 2012, chỉ dẫn địa lý “Bắc Kạn” đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ - cấp cho sản phẩm quýt của tỉnh này. Theo ông Cao Xuân Lãng, năm nay huyện Bạch Thông sẽ cung cấp khoảng 5.000 tấn quýt ra thị trường. Cuối tháng 10 âm lịch, bà con đã có thể cắt bán, nhưng quýt thu hoạch vào tháng 11 âm lịch là ngon nhất, khi độ chín đạt khoảng 90-95%.
Quýt Bắc Kạn chín đủ độ sẽ đẫy quả, vỏ vàng tươi, mỏng, ôm sát múi nhưng róc, dễ bóc. Màng lụa hơi dày, tép màu vàng rơm, khô ráo, ăn có vị chua dịu, đậm đà, tan trong miệng và đặc biệt thơm.
Bà Cao Thị Hồng Thắng - cán bộ Phòng Kế hoạch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Kạn - cho biết: “Năm ngoái, toàn tỉnh có hơn 2.600ha trồng cam, quýt, cung cấp cho thị trường khoảng 12.600 tấn quả. Với giá dao động từ 8.000-12.000 đồng/kg, quýt đã trở thành cây thoát nghèo của bà con nông dân. Cứ mỗi hécta quýt, bà con thu về từ 100-150 triệu đồng”.
Gắn bó với cây quýt lâu năm, ông Cao Xuân Lãng cho biết, cây quýt Bắc Kạn thích hợp với vùng khí hậu mát mẻ. Vì thế, người dân thường trồng cây này ở các sườn núi, đồi và khe núi - nơi nhiệt độ thường thấp hơn 2-3 độ C so với mức trung bình của vùng. Về thổ nhưỡng, không phải đất nào ở Bắc Kạn cũng hợp trồng quýt. Ngay cả ở huyện Bạch Thông, quýt trồng ở một xã tiếp giáp với xã Quang Thuận có chất lượng trái không thực sự tốt.
Tăng độ ngọt cho quýt
Năm 2017, tỉnh Bắc Kạn triển khai trồng 30ha quýt áp dụng tiêu chuẩn VietGAP theo một đề tài khoa học của tỉnh. Dưới sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, bà con nông dân được hướng dẫn cách chăm sóc, làm cỏ, bón phân, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch và cắt tỉa cây sau thu hoạch.
Theo bà Cao Thị Hồng Thắng, hướng sản xuất này được kỳ vọng sẽ tạo ra những trái quýt có chất lượng cao, mẫu mã đẹp nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu của người tiêu dùng. Quan trọng hơn là khi có chứng nhận VietGAP, quýt Bắc Kạn sẽ được dán mã vạch để truy xuất nguồn gốc và rộng đường đi tới các siêu thị lớn.
Tuy nhiên, theo ông Cao Xuân Lãng, lâu nay loại đặc sản này hầu như chỉ tiêu thụ được ở các tỉnh miền núi như Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng... chứ chưa mở rộng được thị trường.
“Nhiều năm nay, theo chiến lược quảng bá của của tỉnh, quýt Bắc Kạn đã được mang đi nhiều hội chợ lớn. Năm ngoái, chúng tôi có mang xuống Hà Nội giới thiệu nhưng kết quả chưa được như mong đợi. Có lẽ vì sản vật còn mới, vị lại hơi chua nên chưa hợp với khẩu vị của người dân thủ đô” - ông Cao Xuân Lãng nói và cho biết, bà con hy vọng mùa quýt năm nay, với chứng nhận VietGAP và kế hoạch chờ trái chín khoảng 95% trở lên mới thu hoạch để tăng vị ngọt, việc tiêu thụ sẽ dễ dàng hơn.
Ông Lãng kiến nghị: “Mong lãnh đạo tỉnh duy trì việc hỗ trợ phát triển trồng quýt trong 3-5 năm để bà con quen dần với hoạt động sản xuất theo hướng mới. Thực tế, bà con hiểu được ý nghĩa của việc áp dụng VietGAP nhưng thay đổi tập quán sản xuất là việc không dễ dàng. Nếu không thay đổi quy trình sản xuất, giá trị hàng hóa của trái quýt cho dù có thương hiệu cũng khó được nâng lên”.
Cho rằng cái quý của giống quýt Bắc Kạn là vị đậm đà và hương thơm đặc biệt, bà Cao Thị Hồng Thắng đề xuất: “Các nhà khoa học có thể nghiên cứu lai tạo làm sao để giữ lại được gene nổi bật của giống quýt này, tạo ra vị ngọt để phù hợp hơn nữa với khẩu vị người tiêu dùng cả nước. Nếu làm được điều đó, chắc chắn quýt Bắc Kạn sẽ còn vươn xa. Hiện nay, để nâng cao giá trị kinh tế, bà con thường trồng xen cam và quýt, trong đó quýt chủ yếu dùng phục vụ các tỉnh miền núi, cam được tiêu thụ trên cả nước trong dịp Tết Nguyên đán”.