Hiện khoảng 20% sản lượng hồng vành khuyên - một loại đặc sản giúp thoát nghèo của Lạng Sơn - đang phải bán với giá rất thấp hoặc bỏ đi do xấu mã.

Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Lạng Sơn đang hướng đến việc nghiên cứu cách chế biến tối ưu để tăng giá trị cho lượng sản phẩm này, đồng thời áp dụng các giải pháp tận thu lợi ích từ hồng vành khuyên cả về mặt sản phẩm lẫn thương hiệu.

20% sản lượng là "hàng thải"

Hồng vành khuyên Lạng Sơn thường được nhận dạng bằng hình đài hoa hằn rõ trên vai quả. Theo mô tả của kỹ sư Đinh Long Xuyên - Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Lãng, “thủ phủ” của hồng vành khuyên, quả hồng giống này có hình tròn, trọng lượng từ 12-16 quả/kg, thịt giòn, màu vàng, càng chín màu càng sẫm, vị ngọt sắc; nếu cắt ngang thân quả sẽ thấy hình 8 vạch.

Việc thu hoạch được bà con thực hiện thủ công vào khoảng tháng 8 âm lịch. Hồng hái xong được ngâm nước sạch 3-4 ngày, ăn kiểm tra thấy ngọt, hết chát, đem phơi ráo nước là có thể thưởng thức được. Người dân chủ yếu bán tận gốc cho các thương lái với mức giá khá ổn định, khoảng 24.000 đồng/kg.

Đặc sản hồng vành khuyên của huyện Văn Lãng đã được bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Văn Lãng” vào năm 2016. Ảnh: C.Viên
Đặc sản hồng vành khuyên của huyện Văn Lãng đã được bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Văn Lãng” vào năm 2016. Ảnh: C.Viên

Kỹ sư Xuyên đánh giá, diện tích trồng hồng vành khuyên ở huyện Văn Lãng phát triển khá tốt trong những năm qua. Cụ thể, năm 2016, diện tích hồng vành khuyên trên toàn huyện là 660ha, sản lượng đạt khoảng 1.500 tấn. Năm 2017, huyện đã trồng mới 34,9ha và thí điểm trồng hồng theo mô hình VietGAP với diện tích 50ha, dự kiến cho thu hoạch 2.000 tấn.

Tiêu biểu là gia đình ông Nông Văn Hội - Giám đốc Hợp tác xã Thanh Tân (xã Tân Mỹ) - đang trồng 2ha hồng vành khuyên, cho năng suất khoảng 5-6 tấn, doanh thu trên 100 triệu đồng mỗi năm.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Minh Hà - Trưởng phòng Công nghệ và Quản lý chuyên ngành, Sở KH&CN Lạng Sơn, người dân hiện vẫn chưa tận thu được giá trị của quả hồng, tỷ lệ quả bị loại bỏ sau thu hoạch rất lớn - tới 20%. Những quả này thường có mẫu mã xấu, không đáp ứng tiêu chuẩn của sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể nên phải bán giá rất thấp hoặc bỏ đi.

Để khắc phục khó khăn này, bà Hà cho biết Sở KH&CN Lạng Sơn sẽ tiếp tục đề xuất các đề tài về chế biến sau thu hoạch như làm hồng sấy... nhằm tạo thêm cơ hội đầu ra cho sản phẩm quả hồng vành khuyên.

Kiểm soát chất lượng bằng chuỗi liên kết

Để tạo điều kiện phát triển sản xuất hồng vành khuyên, bà Nguyễn Minh Hà cho biết Sở KH&CN sẽ tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy chế ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng cho các vùng cây này có diện tích tập trung, sản lượng lớn.

“Các vườn hồng của địa phương chủ yếu được trồng từ năm 1990, mỗi cây lứa này cho khoảng 80kg quả/vụ. Cây lâu đời nhất đã có tuổi đời khoảng 60 năm. Do cây hồng vành khuyên có chiều cao trung bình từ 8-10m nên người dân thu hái mất rất nhiều công và nguy hiểm” - kỹ sư Xuyên trăn trở.

Để giải bài toán này, trong thời gian tới, Sở KH&CN Lạng Sơn đề xuất nghiên cứu công cụ thu hái quả hồng nhằm nâng cao năng suất thu hái, hạn chế tai nạn lao động; đẩy mạnh hướng dẫn nhân dân kỹ thuật canh tác, tạo tán cây thấp ngay từ khi mới trồng.


Theo ông Xuyên, do phần lớn sản phẩm được thương lái thu mua tại làng ngay sau khi hái xuống nên việc sử dụng bao bì có yếu tố nhận diện nhãn hiệu tập thể gặp nhiều khó khăn. Bởi quả hồng khi họ thu mua còn chát nên sau đó phải ngâm nước rồi mới tiêu thụ được. Trong quá trình bảo quản, quả được đặt trong hộp xốp và tưới nước liên tục để giữ ẩm. Việc đóng gói bao bì chỉ có thể thực hiện trước khi đem ra bán nên rất khó kiểm soát.

Để khắc phục vấn đề này, bà Hà cho biết, Lạng Sơn đang thực hiện một số nhóm giải pháp như tuyên truyền, quảng bá dấu hiệu nhận biết quả hồng vành khuyên qua hình dạng bên ngoài; tổ chức sản xuất bao bì hỗ trợ các thương lái trực tiếp thu mua tại huyện, tiến tới cấp quyền sử dụng nhãn hiệu cho các thương lái theo quy chế quản lý nhãn hiệu tập thể.

“Chúng tôi sẽ đẩy mạnh hoạt động xúc tiến việc kết nối các doanh nghiệp, siêu thị trực tiếp tham gia tiêu thụ hồng vành khuyên, tạo ra chuỗi liên kết chặt chẽ từ sản xuất đến tiêu dùng, đảm bảo kiểm soát được chất lượng quả đến người mua” - bà Hà nói.

Nhằm chọn ra những cây có chất lượng để khai thác vật liệu nhân giống phục vụ sản xuất bền vững, ông Xuyên cho biết, trong thời gian tới Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Lãng sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh ban hành một số chương trình, dự án như tiếp tục tổ chức bình tuyển cây giống đầu dòng, nghiên cứu các giải pháp nhằm kéo dài vụ thu hoạch, mở rộng quy mô sản xuất áp dụng quy trình canh tác nông nghiệp tốt (VietGAP).