Một mẫu đất ông chia ra làm 4 mảnh, trồng và thu hoạch theo kiểu "cuốn chiếu" để năm nào cũng có đinh lăng cung cấp cho Cty CP Traphaco. Trung bình, mỗi năm gia đình ông thu về khoảng 3 tấn đinh lăng.

Những năm gần đây, một số xã của huyện Nghĩa Hưng (tỉnh Nam Định) đã mạnh dạn chuyển đổi những cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu cho kinh tế cao. Trong đó, đinh lăng được chọn làm cây trồng chủ lực.

Chúng tôi tìm về xã Nghĩa Thắng, nơi được mệnh danh là vựa đinh lăng lớn nhất của huyện Nghĩa Hưng với khoảng 400 hộ tham gia trồng cây dược liệu quý hiếm này.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Vũ Văn An (SN 1952ởxóm 7) cho hay, ông là người đầu tiên khởi xướng trồng cây đinh lăng tại địa phương và đã có trên 30 năm kinh nghiệm trồng cây dược liệu này. Ông được người dân ví là “vua đinh lăng”.

Thời gian đầu, để phát triển mô hình này, ông đã đứng lên thành lập HTX gồm 18 thành viên và ông là người quản lý HTX, có trách nhiệm hướng dẫn các thành viên cách trồng, chăm sóc cây đinh lăng.

Ảnh minh họa.

Theo ông An, đinh lăng là loại cây dễ trồng, dễ sống, ít sâu bệnh và rất nhàn, không tốn nhiều công sức như những cây trồng khác. Trước khi trồng phải làm vồng và phải trồng bằng đất thịt, không nên trồng bằng đất cát.

“Với hơn 30 năm kinh nghiệm trồng cây đinh lăng, tôi thấy cây đinh lăng rất dễ trồng, dễ sống, không phải tưới nước nhiều và ít sâu bệnh”, ông An cho biết.

Hiện gia đình ông trồng 1 mẫu đinh lăng, tất cả được trồng theo tiêu chuẩn hướng dẫn thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (GACP - WHO).

Một mẫu đất ông chia ra làm 4 mảnh, trồng và thu hoạch theo kiểu "cuốn chiếu" để năm nào cũng có đinh lăng cung cấp cho Cty CP Traphaco. Trung bình, mỗi năm gia đình ông thu về khoảng 3 tấn đinh lăng.

“Mỗi một năm, gia đình tôi chỉ thu một mảnh. Sau khi thu hoạch xong, gia đình làm vồng cấy giống mới và đợi năm sau thu mảnh thứ 2, năm sau nữa thu mảnh thứ 3 và cứ xoay vòng như thế. Chứ nhà tôi không trồng đủ 3 năm mới thu hoạch 1 lần như các hộ gia đình khác”, ông An cho hay.

Gốc và lễ đinh lăng được bán với giá 35 nghìn đồng/kg; lá đinh lăng khô được bán với giá 20 nghìn đồng/kg. Theo tính toán của ông An, với khoảng 3 tấn đinh lăng/năm, gia đình ông An “đút túi” trên 150 triệu đồng.

Ông An cho biết thêm, đinh lăng thường được dùng để ngâm rượu uống và chế biến thuốc (hoạt huyết dưỡng não). Gốc đinh lăng trồng càng lâu thì giá bán càng cao.

10-28-34_nh_2
Vườn cây đinh lăng được trồng theo tiêu chuẩn GACP - WHO

Cũng giống như ông An, gia đình Nguyễn Văn Liên (xóm 7) đã chọn cây đinh lăng để trồng, đem lại nguồn thu nhập chính cho gia đình. Gia đình ông trồng 7 sào, chuyên cung cấp sản phẩm cho Cty CP Traphaco.

Trao đổi với chúng tôi, ông Kim Thiên Tứ, Chủ nhiệm HTXNN Nghĩa Thắng cho biết, đinh lăng trở thành cây trồng chủ lực, đem lại kinh tế cao cho người dân địa phương. Toàn xã có khoảng 20ha đinh lăng, chủ yếu cung cấp cho Cty CP Traphaco. Để đảm bảo khách quan trong việc thu mua, tất cả các hộ đều có sổ theo dõi.

Ông Trần Văn Dương, cán bộ của Cty CP Traphaco ở xã Nghĩa Lạc cho biết, Cty được thành lập từ năm 2013, là nơi chuyên cung cấp giống cây và thu mua cây đinh lăng đã vào thời kỳ thu hoạch của các hộ dân đã ký liên kết. Cty đang trồng khoảng 6ha với gần 1.000 gốc đinh lăng, tất cả được trồng và SX theo tiêu chuẩn GACP - WHO.

Ngoài ra, Cty không chỉ trồng cây dược liệu trong nội bộ mà còn hỗ trợ bà con nông dân về kỹ thuật, kiến thức chăm sóc và bao tiêu toàn bộ sản phẩm của các xã Nghĩa Lạc, Nghĩa Thắng… và một số xã của huyện Hải Hậu. Cty luôn có nhiều ưu đãi dành cho người trồng cây đinh lăng.

Đồng thời, Cty thường xuyên tổ chức lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc cây dược liệu cho bà con trong vùng trồng nguyên liệu theo cách cầm tay chỉ việc.