Con số thống kê từ Văn phòng Nông thôn - Miền núi cho thấy, trồng trọt là lĩnh vực có số dự án lớn nhất (258 dự án chiếm tỷ lệ 30,5% tổng số dự án).

Chương trình “Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ Khoa học và Công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số" (Chương trình Nông thôn – Miền núi) thời gian, với 15 năm thực hiện qua đã minh chứng bằng những con số cụ thể là các mô hình được nhân rộng và “nâng tầm” các sản phẩm nông nghiệp.

Trong lĩnh vực trồng trọt, Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất khoai tây giống và thương phẩm tại tỉnh Thái Nguyên” do UBND huyện Đại Từ chủ trì thực hiện là một ví dụ nhắc đến.

Trước khi có dự án, việc trồng khoai tây trên địa bàn huyện còn nhỏ lẻ, tự phát nhưng sau khi thấy được hiệu quả thực tế từ các mô hình dự án, rất nhiều hộ dân đã tham gia trồng khoai tây, nâng diện tích lên rất nhanh.

Theo đó, năm 2013 tăng lên 91,8 ha, năm 2014 lên 131 ha (trong đó có người dân của một số xã trước đây chưa từng trồng khoai tây). Dự án đã tổ chức liên kết được các đơn vị bao tiêu sản phẩm cho người dân, giải quyết công ăn việc làm cho hơn 1.000 lao động nhàn rỗi, góp phần thúc đẩy việc chuyển đổi cơ cấu mùa vụ và cơ cấu giống cây trồng tại địa phương.

Hay như Dự án “Ứng dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất và tiêu thụ rau an toàn tại Trung đoàn H42/QK3 huyện đảo Vân Đồn, Cô Tô tỉnh Quảng Ninh” do Viện Nghiên cứu ứng dụng Quân nhu - Cục Quân nhu chủ trì thực hiện từ tháng 4/2010 - 3/2012 là một Dự án điển hình.

Dự án đã xây dựng thành công các mô hình rau trong nhà lưới (300 m2) và ngoài đồng ruộng (4,8 ha) trong điều kiện thời tiết có nhiều biến động khắc nghiệt. Sản phẩm từ dự án hiện đang cung cấp cho 14 bếp ăn tập thể của Trung đoàn và bếp ăn tập thể của công nhân mỏ thuộc Tổng công ty Đông Bắc. Các mô hình từ dự án vẫn đang được tiếp tục triển khai nhân rộng ra các đơn vị đứng chân trên đảo thuộc Tuyến đảo Đông Bắc.

Nhờ dự án hỗ trợ hiện nhiều đơn vị đã xây dựng và áp dụng công nghệ nuôi cấy mô tế bào để sản xuất giống Lan Hồ Điệp
Nhờ dự án hỗ trợ hiện nhiều đơn vị đã xây dựng và áp dụng công nghệ nuôi cấy mô tế bào để sản xuất giống Lan Hồ Điệp

Với Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ cao sản xuất rau trái vụ đạt tiêu chuẩn VietGap và hoa chất lượng cao tại Sơn La” do Công ty cổ phần Hoa Nhiệt Đới chủ trì thực hiện từ năm 2012.

Dự án đã hình thành nghề trồng hoa và rau chất lượng cao tại địa phương, tạo việc làm ổn định, thu nhập cao cho hơn 150 lao động (bình quân là 4.500.000đ/người/tháng). Trước khi có dự án, doanh thu của Công ty chỉ đạt 88 tỷ đồng/năm (năm 2011), sau khi triển khai thực hiện dự án đã tăng lên 131 tỷ đồng (năm 2012, 2013), đến năm 2014 đạt 219 tỷ đồng. Sau khi dự án kết thúc, Công ty tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô trồng hoa (tổng đầu tư tăng thêm đến nay là 15 tỷ đồng; diện tích nhà trồng lan Hồ điệp vào năm 2011 là 3.000 m2 đến nay đã đạt 18.000 m2) đồng thời tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Thống kê của Văn phòng Nông thôn – Miền núi cho biết, lĩnh vực trồng trọt có số dự án lớn nhất (258 dự án chiếm tỷ lệ 30,5% tổng số dự án) trong số các lĩnh vực thuộc Chương trình.

Điểm đặc biệt, từ số các dự án này đã có khoảng 2.613 kỹ thuật viên cơ sở; tập huấn kỹ thuật cho 82.350 lượt nông dân tại các địa bàn dự án; triển khai chuyển giao và tiếp nhận 1.390 quy trình công nghệ; xây dựng được 732 mô hình và đã tổ chức hàng trăm hội nghị đầu bờ để khuyến cáo kết quả tới cộng đồng dân cư trên địa bàn.

Trong lĩnh vực trồng trọt, các dự án chủ yếu tập trung vào cây rau, hoa, lương thực và cây công nghiệp.

Cụ thể, riêng đối với cây rau: trước tình trạng nhiều sản phẩm rau tiêu thụ trên thị trường gây ngộ độc thực phẩm cho người sử dụng, các dự án trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP đã được triển khai đảm bảo các yêu cầu: sạch, an toàn về chất lượng, hấp dẫn về hình thức.

Theo đó, đã có 35 dự án được triển khai trên địa bàn các tỉnh, thành phố Hà Giang, Lào Cai, Sơn La, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Sóc Trăng, Cần Thơ. Các dự án đã đào tạo, tập huấn cho hàng nghìn lượt nông dân về kỹ thuật trồng rau sạch góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn thực hiện dự án.


Ngoài ra, với cây lương thực, hoa, cây công nghiệp cũng ghi dấu những kết quả đáng kể. Đã có 51 dự án cây lương thực được triển khai trên địa bàn các tỉnh Cao Bằng, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái, Thái Bình, Gia Lai, Đắk Nông, Khánh Hòa, Ninh Thuận. Các dự án đã sản xuất và chuyển giao được giống mới, sạch bệnh đến người dân như: giống lúa lai, lúa thuần, lúa đặc sản, ngô lai, khoai tây, khoai môn, khoai sọ Cụ Cang, sắn cao sản. 34 dự án trồng hoa được triển khai trên địa bàn các tỉnh, thành phố Sơn La, Hưng Yên, Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bình Định, Lâm Đồng.

Các dự án đã chuyển giao các kỹ thuật về nhân giống, trồng, chăm sóc và bảo quản hoa ở quy mô hộ gia đình, quy mô công nghiệp. Đối với loại hoa chất lượng cao (như hoa lan Hồ điệp), dự án còn hỗ trợ các đơn vị xây dựng và áp dụng công nghệ nuôi cấy mô tế bào để sản xuất giống, hỗ trợ xây dựng các mô hình trồng hoa trong nhà lưới với hệ thống phun sương, điều khiển nhiệt độ, ánh sáng tự động, hiệu quả. Nhìn chung, các dự án trồng hoa đều mang lại giá trị kinh tế cao, được nhiều người dân ủng hộ, áp dụng nhưng để có thể nhân rộng sản xuất ở quy mô công nghiệp thì đòi hỏi rất nhiều yếu tố trong đó chủ yếu là điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và sự năng động của đơn vị chủ trì dự án.

Với cây công nghiệp (cà phê, hồ tiêu, bông, điều, chè): đã có 34 dự án được triển khai trên địa bàn các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Sơn La, Yên Bái, Thái Nguyên, Hòa Bình, Đắk Lắk, Kon Tum. Các dự án đã áp dụng tiến bộ kỹ thuật về thâm canh, chăm sóc, cải tạo vườn cây công nghiệp và bảo quản, chế biến các loại chè xanh, chè đen, sản xuất chè túi lọc, hồ tiêu, cà phê, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Theo Tiến sĩ Đặng Văn Đông - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả đánh giá, các dự án được thực hiện thành công là cơ sở để mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của hàng hoá, nông sản của các địa phương, góp phần xoá đói, giảm nghèo, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho cộng đồng dân cư ở nông thôn, miền núi - vùng có điều kiện tự nhiên, xã hội khó khăn của đất nước.