Dù chỉ mới được người dân chú ý cách đây khoảng 20 năm, nhưng nhờ vào đặc điểm nổi trội về chất lượng như vị thanh mát, có màu đỏ rực rỡ, bảo quản lâu ngày trong môi trường tự nhiên… nên thanh long đã nhanh chóng trở thành cây trồng chủ lực ở Bình Thuận.
Bên cạnh đó, nhờ giá cả tiêu thụ không ngừng tăng lên, nên thúc đẩy diện tích cây thanh long Bình Thuận mở rộng đáng kể. Vào năm 1991, diện tích cây thanh long Bình Thuận chỉ có khoảng 750 ha, nhưng đến năm 2010, con số này đã tăng lên 13.404 ha. Đến năm 2015, diện tích thanh Long Bình Thuận đã lên tới con số hơn 15.000 ha.
Từ khi tìm chỗ đứng vững chắc trên thị trường, thanh long Bình Thuận là loại cây trồng được nhiều địa phương khuyến khích phát triển và xem như một giải pháp xóa đói giảm nghèo.
Thanh long Bình Thuận. Ảnh: Hoinongdan.
Cục Sở hữu Trí tuệ công nhận tên gọi xuất xứ hàng hóa “Bình Thuận” cho quả thanh long của tỉnh Bình Thuận là tài sản quốc gia, được Nhà nước bảo hộ vô thời hạn trên toàn lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam.
Bộ khoa học và Công nghệ ban hành Tiêu chuẩn Việt Nam cho quả thanh long Quy trình sản xuất, thu hoạch và đóng gói xuất khẩu: Theo Tiêu chuẩn Việt Nam số TCVN 7523 : 2005 tại Quyết định số 227/QĐ-BKHCN ngày 17/02/2006 làm tiêu chuẩn cho người sản xuất, nhà kinh doanh, nhà xuất nhập khẩu.
Gần đây, Thanh Long Bình Thuận còn lĩnh “ấn tiên phong” và trở thành loại trái cây Việt Nam đầu tiên thâm nhập thành công thị trường rất khó tính là Hoa Kỳ.
Theo Báo Bình Thuận