Vụ lúa Đông Xuân (ĐX) 2016-2017 Binhg Định được mùa lớn; riêng sản phẩm phụ rơm rạ được thương lái đến tận ruộng đặt mua với giá tăng gấp 2 - 3 lần so với vụ ĐX năm ngoái.

Rơm được thương lái mua với giá cao hơn rất nhiều so với vụ Đông Xuân năm trước

Ở xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước, nông dân không những phấn khởi được mùa lớn với năng suất lúa trên 75 tạ/ha, nhiều vùng năng suất đạt 80 - 90 tạ/ha, mà rơm cũng bán được giá cao. Chị Nguyễn Thị Hạnh, ở thôn Lạc Điền, bộc bạch: Thường thì thu hoạch xong có ai hỏi xin rơm mình cho, khỏi tốn công dọn. Còn bây giờ máy vừa xuống đồng nhiều người đã đến hỏi mua rơm với giá 100 ngàn đồng/sào. Tui thu hoạch 3 sào, bán rơm được 330 ngàn đồng, trả công máy gặt đập liên hợp vừa đủ.

Từ đầu vụ ĐX đến giờ, có nhiều thương lái ở An Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ và các HTXNN có máy cuốn rơm đã đổ về các xã khu Đông An Nhơn, Tuy Phước đang vào mùa thu hoạch tranh nhau thu mua rơm. Rơm bó gánh về nhà tuốt lúa bằng mô tơ điện được mua với giá 800 ngàn đồng/sào, tăng 400 ngàn đồng/sào; rơm gặt máy rải hàng rồi phun máy đa năng bán 300 - 400 ngàn đồng/sào (tùy ruộng xa hoặc gần đường giao thông), tăng 150 - 200 ngàn đồng/sào; rơm thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp bán với giá 100 - 200 ngàn đồng/sào, tăng 50 - 150 ngàn đồng/sào so với vụ ĐX năm ngoái. Tình trạng thu hoạch xong rơm bỏ ngoài đồng hoặc đổ xuống sông xuống mương gây ô nhiễm môi trường như trước đây không còn xảy ra.

Rơm không những được làm nguyên liệu sản xuất nấm, mà còn làm thức ăn dự trữ cho trâu bò, trồng rau, dùng lót các mặt hàng dễ vỡ khi vận chuyển, nhất là đang vào mùa thu hoạch dưa hấu cần rơm để lót vận chuyển đi tiêu thụ, nên lên giá.