Là địa phương có nhiều thế mạnh về phát triển nông nghiệp, những năm gần đây, huyện Cẩm Mỹ đã khuyến khích nông dân mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, lựa chọn các mô hình sản xuất phù hợp để nâng cao hiệu quả kinh tế.

Nhờ chuyển đổi, lựa chọn các mô hình sản xuất phù hợp, đến nay huyện Cẩm Mỹ đã hình thành các mô hình sản xuất tập trung mang lại giá trị kinh tế cao.

Tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Cũng như nhiều hộ nông dân khác trong vùng, trước đây ông Cao Trí, ấp 8, xã Xuân Tây lựa chọn cây cà phê để phát triển kinh tế gia đình. Tuy nhiên, sau nhiều năm cây cà phê đã trở nên già cỗi, năng suất thấp, giá cả bấp bênh, hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Với sự khuyến khích của chính quyền địa phương, đầu năm 2014, ông đã mạnh dạn phá bỏ vườn cà phê già cỗi với diện tích hơn 1,2 hécta để chuyển qua trồng sầu riêng. Nhờ giá cả ổn định, cây sầu siêng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở đây nên năng suất mang lại khá cao. Hiện vườn sầu riêng hơn 6 năm tuổi của ông trung bình mỗi năm mang lại cho gia đình nguồn thu nhập hơn 600 triệu đồng, sau khi đã trừ các khoảng chi phí đầu tư.

“Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, kết hợp ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đã đem lại thu nhập cao hơn cho người nông dân. Không dừng lại ở đó, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng còn được người dân kết hợp với việc ứng dụng công nghệ sinh học, kỹ thuật cao vào sản xuất nông nghiệp, hướng đến sản xuất an toàn, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người sử dụng », ông Trí chia sẻ.

Theo UBND xã Xuân Tây, trên cơ sở hỗ trợ từ các chương trình, dự án, hằng năm UBND xã đã tổ chức vận động nhân dân đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khuyến khích đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với kinh tế hợp tác. Theo đó, UBND xã đã vận động nhân dân chuyển đổi diện tích vườn tạp sang trồng một số cây có giá trị kinh tế cao như: cây sầu riêng, cây mít nghệ, bưởi, thanh long… Trong năm 2019, toàn xã đã chuyển đổi được 90 ha từ diện tích cây cà phê, cây điều, cây tiêu hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây ăn trái mang lại giá trị kinh tế cao.

Ông Tống Xuân Tưởng, cán bộ nông nghiệp xã Xuân Tây, huyện Cẩm Mỹ cho biết, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân, giá trị sản phẩm trồng trọt năm 2019 tăng hơn 70 triệu đồng/ha/năm so với năm 2013.

“Địa phương đã chuyển đổi nhanh diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, chôm chôm, bưởi. Những năm gần đây, nhiều hộ trồng cây sầu riêng có lợi nhuận từ 500 - 600 triệu đồng/ha. Một số diện tích còn có thu nhập trên 700 triệu/ha. Giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân trên 01 ha trồng trọt đạt 170 triệu đồng/ha”, ông Tưởng nói.

Để có đầu ra ổn định hơn cho người nông dân, xã Xuân Tây đã và đang khuyến khích người dân xây dựng và phát triển kinh tế tập thể để liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, xã Xuân Tây có 23 Tổ hợp tác với hơn 1.300 thành viên và 4 Hợp tác xã nông nghiệp với 40 thành viên.

Theo UBND huyện Cẩm Mỹ, đến nay nhiều vùng trên địa bàn có giá trị sản xuất từ 800 triệu đến 01tỷ đồng /ha/năm như: sầu riêng (xã Nhân Nghĩa, Xuân Bảo), hồ tiêu (xã Sông Ray, Lâm San, Xuân Tây, Bảo Bình, Xuân Đông). Bênh cạnh đó, một số dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm đã hình thành như: Dự án cây tiêu, cà phê, bắp và sầu riêng với tổng số 1.160 hộ dân tham gia, diện tích 1.268 ha. Bước đầu đã liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân như: dự án cà phê đã thu mua 70 tấn cà phê nhân, dự án bắp thu mua ổn định với giá 900 đồng/kg, dự án hồ tiêu sạch tiêu đã thu mua 1.500 tấn cho nông dân và các địa phương lân cận để xuất khẩu đi Châu Âu với giá cao hơn 5.000 – 12.000 đồng/kg.

Các mô hình chăn nuôi cũng đang phát triển theo hướng hiện đại.

Đồng thời, huyện đang thực hiện 5 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm trên các câ trồng là rau, lúa, đinh lăng, bưởi da xanh, dâu tằm với tổng số 500 hộ tham gia, diện tích 500 ha, trong đó các phẩm lúa, rau đã được liên kết tiêu thụ ổn định. Song song đó hình thành được 17 vùng chuyên canh trên địa bàn các xã với diện tích là 4.590 ha theo đúng quy hoạch được duyệt. Trong đó, cây hàng năm có 08 vùng chuyên canh với diện tích là 2.330 ha và cây lâu năm có 07 vùng chuyên canh với diện tích 2.260 ha...

Phát triển chăn nuôi trang trại theo hướng hiện đại

Xác định chăn nuôi theo hướng an toàn, bền vững là yêu cầu bắt buộc, năm 2016, anh Nguyễn Quốc Đoàn, Chủ trang trại gà Ngọc Linh, xã Xuân Tây (huyện Cẩm Mỹ) quyết định bỏ ra nguồn vốn khá lớn, đầu tư 10 tỷ đồng để xây dựng một trang trại gà lấy trứng theo mô hình công nghệ cao, với quy mô trên 20 ngàn con. Toàn bộ trại gà nằm cách biệt với khu dân cư, hệ thống vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường được kiểm soát theo một quy trình nghiêm ngặt nhất. Các dãy chuồng nuôi gà đều khép kín và được thiết kế theo kỹ thuật chuồng lạnh với hệ thống máy điều hòa hiện đại.

Anh Nguyễn Quốc Đoàn cho biết, điểm đặc biệt nhất của trại gà công nghệ cao này chính là hệ thống dây chuyền thu gom trứng và cho ăn tự động theo chuỗi khép kín Big Dutchman – một công nghệ chăn nuôi hiện đại nhất hiện nay của Cộng hòa Liên bang Đức. Để lắp đặt hệ thống này, chủ trại gà phải bỏ ra trên 3 tỷ đồng. Bù lại, gần như toàn bộ việc thu gom gần 20 ngàn quả trứng/ngày và việc thu gom phân, chất thải đều được hệ thống này giải quyết. Chủ trại chỉ có việc đổ thức ăn vào bồn lớn đặt bên ngoài trại, công đoạn cho gà ăn sẽ được máy thực hiện tự động và theo một công thức dinh dưỡng phù hợp nhất để hạn chế tình trạng dư thừa thức ăn. Nếu như một trang trại chăn nuôi gà bình thường sẽ phải cần ít nhất 8 lao động thường xuyên, thì với hệ thống này, chủ trại chỉ cần thuê 2 nhân công.

“Nhờ áp dụng các quy trình chăn nuôi hiện đại, kết hợp với đầu tư các tiến bộ khoa học kĩ thuật vào chăn nuôi, đàn gà của trang trại này có môi trường sinh sống tốt, nên tỷ lệ cho trứng đạt cao. Thêm vào đó, tỷ lệ hao hụt tổng đàn gần như không có do dịch bệnh cũng được kiểm soát chặt chẽ và hiệu quả. Việc ít nhân công không chỉ làm giảm chi phí sản xuất mà còn giúp môi trường trong trại luôn được yên tĩnh, ít nguy cơ dịch bệnh, môi trường ổn định nên gà đẻ tốt hơn với tỷ lệ có khi lên đến 95%”, anh Đoàn chia sẻ.