Theo hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, huyện Lâm Hà đã thực hiện quy hoạch các vùng trồng trọt, chăn nuôi có lợi thế so sánh của địa phương và đạt những kết quả tích cực ở giai đoạn đầu….

Sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao theo quy hoạch trên địa bàn huyện Lâm Hà.
Sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao theo quy hoạch trên địa bàn huyện Lâm Hà

Đạt và vượt kế hoạch chuyển đổi

Tính từ thời điểm năm 2016, ngành nông nghiệp huyện Lâm Hà đã tạo nền tảng mới về ứng dụng công nghệ cao với 8.800 ha diện tích rau, hoa, chè, cà phê, tăng hơn 5% so với năm 2010. Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi từng bước chuyển sang quy mô trang trại, công nghiệp với 1.300 con bò sữa, hơn 3.170 con bò thịt lai cao sản. Tuy vậy, UBND huyện Lâm Hà đánh giá thời điểm này sản xuất nông nghiệp trên địa bàn phần lớn nhỏ lẻ, manh mún; nông sản chủ lực cạnh tranh chưa cao; tỷ trọng ngành chăn nuôi thấp; công nghệ sau thu hoạch còn hạn chế; thu hút đầu tư còn nhiều khó khăn…

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được nhận diện, ngành nông nghiệp Lâm Hà tiếp tục phối hợp, tổ chức thực hiện theo quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết phát triển nông nghiệp nông thôn đến năm 2020 đã được phê duyệt. Điển hình với các khu quy hoạch nông nghiệp công nghệ cao được hình thành tại các vùng cần chuyển đổi cơ cấu cây trồng có lợi thế so sánh của địa phương xã Nam Hà (353 ha), xã Đạ Đờn (200 ha), xã Tân Văn (168 ha), xã Gia Lâm (100 ha), chăn nuôi tập trung 350 ha ở xã Phúc Thọ…

Ước tính giai đoạn 2016-2019, có hơn 1.000 lượt nông dân tại các vùng quy hoạch đã được tham gia trong 100 lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời được thụ hưởng các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất như: tái canh, cải tạo giống cà phê; vay vốn quay vòng của các đoàn thể; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị…

Kết quả các loại cây trồng, vật nuôi thế mạnh ở huyện Lâm Hà đã đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Cụ thể, đến đầu năm 2020, diện tích rau, hoa nhà kính, nhà lưới hơn 186 ha, vượt kế hoạch 15%. Tiếp theo gần 1.500 ha cà phê ứng dụng tưới tiết kiệm, vượt kế hoạch đến 700 ha. Và đạt 100% kế hoạch gồm cây chè chất lượng cao với 220 ha, mắc ca 1.300 ha, cây ăn quả 1.014 ha. Riêng cây dâu tằm dự kiến đến cuối năm 2020 đạt 3.236 ha, vượt kế hoạch 34,8%. Ngoài ra, đàn gia súc, gia cầm của huyện Lâm Hà tăng đáng kể đến hết năm 2020: gần 8.300 con bò thịt, bò sữa và 100.000 con heo; hơn 1,1 triệu con gia cầm. Đặc biệt, trong 2 năm 2016 - 2017, huyện Lâm Hà hỗ trợ 33 con bò thịt lai cao sản, giống Bahman cho 15 hộ gia đình với tổng kinh phí gần 1,4 tỷ đồng.

“Thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, huyện Lâm Hà đã vận động người dân chuyển đổi diện tích lúa một vụ, cà phê năng suất thấp sang trồng các loại cây giá trị cao gồm rau, hoa, dâu tằm, cây ăn quả… Lũy kế diện tích chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả đến cuối năm 2019 là 1.486 ha, dự kiến đến cuối năm 2020 đạt khoảng 1.736 ha...”, ngành nông nghiệp Lâm Hà cho biết thêm.

Trồng trọt dưới 66%, chăn nuôi trên 55%

Mục tiêu đến năm 2025, huyện Lâm Hà xác định cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp với trồng trọt dưới 66%, chăn nuôi hơn 25%, dịch vụ trên 8%. Giá trị sản xuất đạt hơn 350 triệu đồng/ha/năm.

Các nhiệm vụ chủ yếu đến năm 2025 của huyện Lâm Hà tiếp tục sản xuất theo hướng nâng cao giá trị gia tăng các loại cây trồng thế mạnh trên khu vực quy hoạch. Đó là chuyển đổi 300 ha cây cà phê, cây màu, lúa kém hiệu quả sang trồng rau, hoa, nâng hệ số sử dụng đất lên 2,8 - 3 lần/năm. Cây cà phê tái canh khoảng 2.500 ha, tăng năng suất bình quân lên 3,6 - 3,8 tấn/ha/năm. Trên tổng diện tích cà phê đạt tỷ lệ 50% trồng cây che bóng, 50% sản xuất theo tiêu chuẩn 4C, UTZ, Rain forest. Cây chè VietGAP mở rộng diện tích khoảng 100 ha, tăng năng suất bình quân từ 13 tấn lên 18 tấn/ha/năm. Cây dâu tằm giống mới đạt khoảng 4.500 ha. Cây mắc ca đạt 4.300 ha theo quy hoạch, trong đó 3.000 ha thu hoạch với tổng sản lượng 6.000 tấn.

Với vật nuôi chủ lực, huyện Lâm Hà phấn đấu đến năm 2025 đạt 2.000 con bò sữa, ưu tiên phát triển giống bò sữa cao sản HF thuần chủng để nâng sản lượng khai thác sữa bình quân 5.900 lít/con/chu kỳ. Và đàn bò thịt cao sản đạt 12.000 con, trong đó có 2.000 con bò lai các giống BBB, Red Angus, Droughmaster. Ngoài ra, phát triển đàn heo, đàn gia cầm theo hướng chuyển đổi quy mô chăn nuôi nhỏ, lẻ sang quy mô chăn nuôi trang trại, công nghiệp; riêng thủy sản chọn nuôi trồng các giống cao sản, chất lượng cao bên cạnh nguồn giống truyền thống…

Các giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất cây trồng, vật nuôi chủ lực đến năm 2025, UBND huyện Lâm Hà nhấn mạnh: “Chuyển đổi các hình thức hỗ trợ mang tính dàn trải, manh mún sang hỗ trợ hình thành các mô hình đồng bộ, khép kín, tạo hiệu quả cao. Hình thức tổ chức sản xuất theo nhóm hộ, hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết bền vững, tạo thuận lợi vận động, tuyên truyền và nhân rộng mô hình. Từng bước chuyển dần hỗ trợ trực tiếp sang hỗ trợ gián tiếp thông qua hình thức đào tạo nghề, hướng dẫn kỹ thuật. Ưu tiên hỗ trợ các hộ nông dân đang gặp điều kiện khó khăn, hộ đồng bào dân tộc thiểu số địa phương…”