Để sống được, giá sơri phải đạt 7.000 đồng/kg
Năm 2007, sơri Gò Công (Tiền Giang) đã được bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Sơri được mệnh danh là “vua vitamin C” bởi hàm lượng chất này là 400-1.100mg/100gr nước ép. Nước ép sơri thường được trộn với các loại nước khác để tăng hàm lượng vitamin C.
Ông Nguyễn Triệu Thắng - Hợp tác xã sơri Bình Ân (Gò Công Đông) - nói: "Làm việc với các chuyên gia Nhật, tôi thấy họ đánh giá rất cao trái sơri và bảo người Gò Công đang nằm trên đống vàng. Tuy nhiên, gần đây, do giá cả thất thường, nhiều gia đình đã chặt hết sơri để thay bằng cây khác có giá trị kinh tế cao và ổn định hơn".
Bà Tư Sang từng là hộ trồng sơri nổi tiếng ở xã Bình Ân. Nay bà đã chặt hết vườn sơri để trồng cỏ và chỉ làm đầu mối thu mua trái sơri. “Giá sơri khoảng 5.000 đồng/kg và để sống được, chúng tôi cần giá ổn định 7.000 đồng/kg. Chăm sóc và thu hoạch sơri rất cực. Các hộ ít người phải thuê nhân công với giá 15.000 đồng/giờ, nên tiền lời chẳng đáng là bao” - bà Tư Sang nói.
Bà Nguyễn Thị Bầu (Gò Công, Tiền Giang) đang thu hoạch sơri. Ảnh: Thành Công
Theo ông Trương Văn Cho - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang, so với 10 năm trước, diện tích sơri đã bị thu hẹp nhiều, hiện chỉ còn 221ha, sản lượng trung bình 20 tấn/ha. Chi phí chăm sóc và thu hoạch đã chiếm khoảng 2/3 nên lợi nhuận rất thấp. “Từ năm 2010 trở về trước, sơri được xác định là cây chủ lực của tỉnh. Sau đó, giá cả bấp bênh, đầu ra và năng lực chế biến có hạn nên bà con đã chặt bỏ và thay thế bằng mãng cầu xiêm, thanh long... Cứ đà này, vài năm tới, có thể sơri Gò Công sẽ không còn nữa” - ông Cho nói.
Gặp khó ở khâu bảo quản sau thu hoạch
Theo ông Cho, ngành nông nghiệp Tiền Giang chưa có định hướng phát triển thương hiệu trái sơri trong thời gian tới. Vì thế, nếu duy trì loại cây này, người dân sẽ phải tự tìm đầu ra.
Đại diện Hợp tác xã (HTX) sơri Bình Ân, - ông Nguyễn Triệu Thắng - tiết lộ, mỗi năm HTX nhận được nhiều đơn hàng trái tươi từ Hà Nội và miền Trung nhưng không thể đáp ứng. “Đặc thù của trái sơri tươi là vỏ mỏng, mau chín nên khó vận chuyển đi xa. Muốn đưa sơri đi xa thì phải bảo quản lạnh và giữ gìn rất cẩn thận. Chi phí để thực hiện quy trình đó rất tốn kém và HTX không đủ tiền để làm nên thường phải chế biến quả sơri thành các sản phẩm như mứt sơri, rượu hoặc nước ép” - ông Thắng nói.
Hiện ngoài việc bán quả tươi cho thị trường TPHCM và các tỉnh miền Tây, HTX Bình Ân còn tập trung chế biến mứt sơri phân phối cho các siêu thị. Thời gian tới, HTX sẽ phát triển thêm một số sản phẩm như kẹo, sirô, rượu, thực phẩm chức năng... từ sơri, nhưng số lượng chưa nhiều do công nghệ còn hạn chế.
Có nhiều năm gắn bó với trái sơri, ông Thắng rất mong trái sơri sẽ không “chết dần chết mòn” trước sự cạnh tranh của những loại trái cây khác. Để sống được, sơri phải nâng cao được giá trị kinh tế. Muốn vậy, cần có sự đầu tư về khoa học.
“Chúng tôi mong muốn các nhà khoa học sẽ vào cuộc, phân tích giá trị dinh dưỡng để người tiêu dùng có cái nhìn chính xác về loại trái cây này. Bên cạnh đó, Nhà nước nên có đầu tư quảng bá trái sơri rộng rãi hơn để các công ty trong và ngoài nước biết tiếng, đến đầu tư dây chuyền công nghệ chế biến và nâng cao giá trị kinh tế của trái cây này” - ông Thắng nói.