Ngày 03/09/2009, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00016 theo Quyết định số 1737/QĐ-SHTT cho sản phẩm xoài cát Hòa Lộc nổi tiếng.
Sở Khoa học và Công nghệ Tiền Giang là cơ quan quản lý chỉ dẫn địa lý "Hòa Lộc" cho sản phẩm xoài cát. Lễ công bố Văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý đã được tổ chức trọng thể tại tỉnh Tiền Giang ngày 25.09.2009.
Cây xoài nói chung thuộc họ Đào lộn hột Anacardiaceae, có tên La tinh là Mangifera indica L, được trồng nhiều ở Việt Nam... Hiện nay, nước ta có gần 50 giống xoài có khả năng cho năng xuất và chất lượng cao, trong đó có giống xoài cát được trồng tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long như: Cát Bồ, Cát Đen, Cát Trắng, Cát Chu, Cát Hoà Lộc…trong số các loại xoài cát thì xoài cát Hoà Lộc được lựa chọn nhiều nhất, ngon nhất và có giá bán đắt nhất.
Xoài cát Hòa Lộc được một người tá điền tên là Ấp Lời trồng đầu tiên tại xã Hòa Lộc, quận Giáo Đức, tỉnh Định Tường (trước năm 1975) vào năm 1930, và bắt đầu nổi tiếng từ những năm 1939 -1940 sau khi đoạt giải cao trong các cuộc đấu xảo, giống xoài cát này đã trở thành đặc sản quí, được dâng lên tế lễ nơi thần đình, mà di tích ngày nay là đình thần Hòa Lộc.
Xoài cát Hòa Lộc là một loại trái cây "Ngọt ngào Hương vị Việt" được cộng đồng trong và ngòai nước biết đến. Hiện nay, cây Xoài cát Hòa Lộc được trồng ở qui mô công nghiệp và đã được chứng nhận sản xuất nông nghiệp bền vững theo tiêu chuẩn VietGAP.
Sản phẩm trái xoài cát Hòa Lộc không những dùng trong lễ hội mang tính dân tộc mà còn phát triển sản xuất, tiêu thụ trên thị trường nội địa và xuất khẩu, tạo nguồn thu cho tỉnh và cải thiện tốt đời sống nông dân trong vùng địa lý.
Trong đó, Tiền Giang hiện được xem là một trong những tỉnh có vùng trồng xoài lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long với diện tích phát triển trồng xoài cát Hòa Lộc trên 4.000 ha, tập trung chủ yếu tại khu vực ven sông Tiền thuộc huyện Cái Bè và Nam Cai Lậy, năng suất bình quân 13,9 tấn/ha.
Phương Thảo - Hương Trang (Cục Sở hữu trí tuệ)