Tiết kiệm hơn 30 tỷ đồng chi phí hành chính mỗi năm, giảm 40% thời gian làm thủ tục hành chính của người dân và các tổ chức - đó là kết quả sau 5 năm tỉnh Quảng Ninh thực hiện đề án xây dựng chính phủ, chính quyền điện tử.

Kinh nghiệm triển khai thành công chính quyền điện tử tại tỉnh Quảng Ninh đã được giới thiệu tại hội thảo về các giải pháp thúc đẩy xây dựng chính phủ số tại Việt Nam do FPT tổ chức tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc chiều 28/5.

Tham dự hội thảo có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ; và các chuyên gia công nghệ.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại hội thảo.
Ảnh: Nhật Bắc

Sau 5 năm thực hiện đề án xây dựng Chính phủ điện tử, Quảng Ninh đã tạo được môi trường làm việc liên thông, hiện đại, chuyên nghiệp, tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao hiệu quả công việc và chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Hiện đã có hơn 400 đơn vị hành chính của tỉnh tham gia ứng dụng chính quyền điện tử và hơn 3,7 triệu lượt văn bản được trao đổi qua mạng trong 3 năm.

Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu một cửa điện tử của Quảng Ninh sau khi được triển khai đã giúp minh bạch hóa quá trình giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan quản lý nhà nước. Hệ thống này giúp giảm 40% thời gian làm thủ tục của người dân, tổ chức và doanh nghiệp.

Hiện Quảng Ninh có hơn 1.500 dịch vụ công trực tuyến với hơn 600 ngàn hồ sơ được giải quyết/năm, tiết kiệm 30 tỷ đồng chi phí hành chính, trong đó, nếu tính riêng chi phí gửi - nhận văn bản, số tiền tiết kiệm được mỗi năm đã lên đến gần 15 tỷ đồng.

Trước những kết quả trên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đánh giá cao cách làm của Quảng Ninh và đề nghị FPT hỗ trợ đưa Quảng Ninh trở thành mô hình thí điểm trước khi nhân rộng ra toàn quốc.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam có lợi thế triển khai chính phủ số khi mật độ sử dụng Internet khá cao cùng quyết tâm giảm tối đa thủ tục hành chính từ phía Chính phủ. Năm 2016, chỉ số phát triển chính phủ điện tử của Việt Nam được Liên Hợp Quốc xếp hạng 89/193 quốc gia, trong đó chỉ số về dịch vụ công trực tuyến tăng 8 bậc, từ thứ hạng 82/193 lên thứ hạng 74/193; cơ bản hoàn thành kết nối, liên thông các hệ thống quản lý văn bản của các bộ, ngành, địa phương với Văn phòng Chính phủ.