Vừa qua, GS.TS Dương Ngọc Hải - Phó chủ nhiệm Chương trình Tây Bắc đã đến kiểm tra kết quả trồng cỏ và bảo quản, chế biến thức ăn xanh từ cỏ tại xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn.


Đây là nội dung thuộc đề tài "Nghiên cứu một số giải pháp kỹ thuật phát triển nguồn thức ăn xanh, sạch cho trâu, bò quy mô trang trại tại vùng Tây Bắc". Cùng đi có Ông Khúc Ngọc Hoan - Trưởng Phòng Quản lý Khoa học (Sở KH&CN tỉnh Sơn La), đại diện Chi cục Chăn nuôi, Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Sơn La) và nhóm nghiên cứu, hộ gia đình tham gia đề tài.

Đề tài "Nghiên cứu một số giải pháp kỹ thuật phát triển nguồn thức ăn xanh, sạch cho trâu, bò quy mô trang trại tại vùng Tây Bắc” được thực hiện 36 tháng (1/2016-12/2018) do Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) chủ trì, PGS.TS. Nguyễn Xuân Cự làm chủ nhiệm. Đề tài có sự phối hợp nghiên cứu của Trường Đại học Tây Bắc, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp miền núi phía Bắc, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi.

Sau gần 3 năm triển khai, đề tài đã khảo sát, đánh giá sự thích hợp các mô hình ở địa phương, triển khai 6 hoạt động nghiên cứu ở 3 trang trại chăn nuôi trâu/bò với quy mô quy mô khác nhau tại 2 tỉnh Sơn La và Hà Giang để áp dụng 3 quy trình bảo quản, chế biến cỏ và phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn gia súc. Đồng thời sử dụng các loại cỏ, rơm, rạ, cây ngô để tiến hành chế biến dưới 3 hình thức: Thức ăn ủ chua, thức ăn phơi khô và bánh dinh dưỡng. Nội dung nghiên cứu tập trung vào 3 hoạt động gồm: Phơi khô rơm rạ và cỏ, xác định sự suy giảm chất dinh dưỡng theo thời gian bảo quả; Ủ xanh thức ăn gia súc từ thân cây ngô và cỏ xanh; Quy trình sản xuất bánh dinh dưỡng từ cỏ xanh, cám/bột ngô hoặc sắn, rỉ mật, muối…

Tại Tỉnh Sơn La, các cán bộ nghiên cứu Khoa Nông Lâm trường Đại học Tây Bắc đã tiến hành trồng thử nghiệm 10 giống cây, cỏ, qua đó đánh giá lựa chọn được 2 giống có khả năng phát triển tốt, đạt năng suất cao, đó là giống cỏ VA 06 và Guatemala đưa vào ủ. Sau thời gian thí nghiệm ủ xanh thức ăn gia súc từ cỏ xanh tại trang trại chăn nuôi của hộ gia đình Ông Nguyễn Đình Duẩn xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn cho thấy các phương pháp ủ đều phù hợp với địa phương, dễ áp dụng, dễ thực hiện, thời gian bảo quản kéo dài nên chủ động nguồn thức ăn dự trữ cho gia súc. Đánh giá cảm quản sản phẩm ủ chua có mùi thơm vị chua đặc trưng, màu vàng rơm. Thành phần hóa học của các mẫu thức ăn qua các tháng bảo quản như hàm lượng vật chất khô cellulose, N tổng số, Protein đều tăng, Hàm lượng vật chất khô, Cellulose, N tổng số, Protein bảo quản trong tháng đầu tiên: 13,54 %; 4,87%; 0,14% và 0,89%, sau 6 tháng bảo quản thì hàm lượng vật chất khô, Cellulose, N tổng số, Protein lần lượt là: 16,54%; 6,11 %; 0,21 % và 1,31 %.

Kết quả nghiên cứu của đề tài tại tỉnh Sơn La sẽ giúp các trang trại chăn nuôi gia súc ăn cỏ ở địa phương và các vùng lân cận tiếp cận với quy trình bảo quản và chế biến thức ăn thô xanh nhằm cải thiện thành phần dinh dưỡng, tăng khả năng tiêu hóa hấp thu, giảm ảnh hưởng của độc tố và các chất kháng dinh dưỡng, dự trữ nguồn thức ăn lâu dài cho gia súc, khắc phục tính thời vụ của cây trồng đáp ứng đủ nhu cầu thức ăn thô xanh quanh năm để phát triển chăn nuôi gia súc hàng hoá.

Phát biểu tại buổi kiểm tra, GS.TS Dương Ngọc Hải đánh giá cao kết quả thực hiện của đề tài, các giống cỏ sau khi được nghiên cứu lựa chọn, khuyến cáo kỹ thuật trồng cũng như chăm sóc, đưa vào chế biến ở một số địa phương của tỉnh Sơn La đã cho kết quả khả quan. Với định hướng Chương trình Tây Bắc là chương trình KH&CN trọng điểm nhà nước mang tính ứng dụng cao mong muốn trong thời gian tới đề tài sẽ triển khai đưa vào thực tế và rất cần sự liên kết giữa nhà quản lý, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và người dân, giúp người dân mở rộng quy mô chăn nuôi góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương"