Nhiệm vụ KH&CN "Nghiên cứu các giải pháp để phục tráng và phát triển vùng sản xuất quýt Gia Luận, huyện Cát Hải, TP Hải Phòng" do thạc sỹ Nguyễn Nam Dương, Viện Bảo vệ thực vật (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), làm chủ nhiệm đã được Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hải Phòng nghiệm thu ngày 23/4.
Quýt Gia Luận (thường gọi là cam Gia Luận) là giống quýt ngọt có từ lâu đời của người dân xã Gia Luận, huyện Cát Hải. Loại quả này cũng được xếp vào một trong những đặc sản của Hải Phòng. Quả có hình cầu dẹt, vỏ nhẵn bóng, khi chín vỏ màu đỏ da cam hằn rõ múi và rất mỏng, không hạt hoặc có từ 1-3 hạt, trọng lượng quả 140-180g. Đặc biệt có mùi thơm đặc trưng, múi mỏng và dễ bóc tách, tép nhỏ, mịn và mọng nước. Thời gian thu hoạch thường từ tháng 12 năm trước đến tháng 1 năm sau.
Quýt Gia Luận là cây trồng bản địa cho giá trị kinh tế cao.
Tuy nhiên, từ năm 2012 đến nay, diện tích trồng, sản lượng và chất lượng quýt Gia Luận suy giảm mạnh do nhiễm bệnh vàng lá (Greening), Tristeza và bị ảnh hưởng bởi các loại bệnh hại. Ngoài ra địa phương cũng chưa có nguồn cây giống có chất lượng và tập quán canh tác còn nhiều hạn chế.
Trước thực trạng đó, thạc sỹ Nguyễn Nam Dương và các cộng sự đã tiến hành nghiên cứu phục tráng nguồn giống cây quýt Gia Luận sạch bệnh và đề xuất mô hình mới, từng bước khôi phục, phát triển vùng sản xuất.
Kết quả, sau 36 tháng triển khai (từ tháng 11/2014), nhóm nghiên cứu đã bình tuyển và lựa chọn được 5 cây quýt Gia Luận đầu dòng được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp mã số và giấy chứng nhận; ứng dụng kỹ thuật vi ghép đỉnh sinh trưởng tạo được 10 cây đầu dòng sạch bệnh (S0); nhân được 1.500 cây quýt S1 sạch bệnh, cung cấp cho 6 hộ tham gia mô hình trồng mới với tổng diện tích 2ha; tập huấn cho 30 lượt cán bộ và người dân địa phương về quy trình kỹ thuật thâm canh, quản lý tổng hợp sâu bệnh hại và chống tái nhiễm trên quýt Gia Luận sạch bệnh.
Hiện diện tích trồng quýt của toàn xã gần 25ha với khoảng 120 hộ trồng tại vườn trong các thung, áng...
Việc phục tráng và phát triển vùng sản xuất quýt Gia Luận đã góp phần bảo tồn nguồn gene cây trồng bản địa quý hiếm, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị cho cây trồng đặc sản, qua đó tạo dựng thương hiệu nông sản "sạch" gắn với du lịch Cát Bà.