Nhãn hiệu tập thể ”Quýt Trà Lĩnh” chưa được nhiều hội viên Hội Quýt Trà Lĩnh khai thác. Chưa nhận ra lợi ích của việc bảo hộ nhãn hiệu, nhiều người dân không chấp nhận đầu tư kinh phí để sản phẩm của mình được dán tem, dẫn đến tình trạng khó phân biệt thật - giả.

Lẫn lộn thật - giả

Đời sống kinh tế của bà con đồng bào các dân tộc ở huyện vùng cao Trà Lĩnh (Cao Bằng) những năm gần đây đang thay đổi rõ rệt nhờ nguồn thu nhập từ việc trồng quýt. Trà Lĩnh có điều kiện khí hậu, đất đai phù hợp với sự sinh trưởng của cây quýt, tạo nên vị thơm ngon, ngọt đậm đặc trưng cho loại trái cây này, đưa nó trở thành đặc sản.

Nhãn hiệu tập thể “Quýt Trà Lĩnh” đã được cấp cho Hội Quýt Trà Lĩnh, với 87 hộ thành viên đang khai thác. Văn bằng bảo hộ đó cũng là cơ hội tốt để địa phương quảng bá danh tiếng đặc sản Cao Bằng ra thị trường trong nước và quốc tế.

Ông Bế Văn Thức - Chủ tịch Hội Quýt Trà Lĩnh - cho biết: “Hiện nay, toàn huyện có gần 100ha diện tích trồng quýt, trung bình 1ha có thể đạt 25 tấn quýt. Với giá bán ra thị trường từ 30.000- 35.000đ/kg, mỗi hécta quýt đem lại lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng một vụ. Bởi thế nên số hộ trồng quýt ngày càng tăng”.

Theo quy định, logo nhãn hiệu tập thể "Quýt Trà Lĩnh" phải được dán trên từng quả và được sử dụng trên tất cả các phương tiện quảng cáo, bao bì, vật dụng chứa sản phẩm. Tuy nhiên, theo ông Nông Văn Đàm - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Trà Lĩnh, hiện các hộ dân vẫn chưa có ý thức tận dụng giá trị nhãn hiệu, rất ít hộ đầu tư mua tem mang logo nhãn hiệu dán lên trái quýt. Vì vậy, khi bán ra thị trường, khó phân biệt đâu là quýt Trà Lĩnh và đâu là quýt ở những nơi khác.

Những trái quýt Trà Lĩnh vàng óng. Ảnh: Ngọc Linh

“Từ lúc có nhãn hiệu tập thể "Quýt Trà Lĩnh", nhiều cá nhân, đơn vị ở khắp các nơi đến địa phương hỏi mua hàng nhưng trên quả quýt không có logo, trên bao bì cũng không, vì thế khó phân biệt thật - giả, dẫn đến mất khách và quýt ngoại lai càng dễ trà trộn vào” - ông Đàm chia sẻ mối lo ngại.

Một trở ngại nữa là loại sản vật này vẫn chưa vào được các siêu thị lớn, chủ yếu bán “trôi nổi” trên thị trường. Theo ông Thức, một trong các nguyên nhân gây khó cho đầu ra của quýt Trà Lĩnh là khi thương lái, doanh nghiệp ở các vùng khác đến đặt mua với số lượng lớn, đa số người dân trồng quýt vẫn yêu cầu mức giá cao như bán lẻ.

“Vào các đợt giáp tết, người dân còn đẩy giá lên cao khoảng 100.000-120.000 đồng/kg. Mặc dù chúng tôi đã thành lập hội và mong muốn bà con bán được nhiều hơn với giá cả hợp lý nhưng họ vẫn giữ thói quen tự kinh doanh, không lường trước rằng nếu không bán kịp thời, quýt sẽ bị hỏng và phải bỏ đi. Vụ thu hoạch năm 2016 vừa qua là một thất bại, quýt bị hỏng rất nhiều do bán không kịp” - ông Thức nói.


Truyền thông thay đổi nhận thức cho dân

Trước các vấn đề trên, bà Phan Thị Huyên - Trưởng phòng Quản lý chuyên ngành - Sở Khoa học và Công nghệ Cao Bằng - cho rằng: “Hội Quýt Trà Lĩnh cần tiếp tục tăng cường phổ biến, quán triệt, nâng cao nhận thức và hiểu biết của các hội viên về giá trị nhãn hiệu "Quýt Trà Lĩnh". Từ đó, hội viên và các nông hộ sản xuất quýt Trà Lĩnh nói chung phải tuân thủ các biện pháp kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất cũng như quản lý, duy trì, bảo vệ và phát triển danh tiếng cho quýt Trà Lĩnh”.

Về vấn đề tiêu thụ, ông Nông Văn Đàm cho rằng, để có thể mở rộng thị trường, trước hết cần vận động người dân thay đổi nhận thức: “Người dân vẫn muốn tự sản xuất, tự kinh doanh, không quan tâm đến khâu trung gian, không giảm trừ chi phí cho các thương lái thì khó có thể phát triển thành vùng sản xuất lớn vì đầu ra không đảm bảo. Tôi cho rằng cần phải thay đổi nhận thức của bà con, đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp để có thể đưa quýt Trà Lĩnh vào các siêu thị lớn. Về phía UBND huyện, tới đây chúng tôi sẽ có trách nhiệm giúp người dân tìm đầu ra tới các tỉnh lân cận hoặc bán sang thị trường Trung Quốc”.

Để hạn chế tổn thất sau thu hoạch, UBND huyện Trà Lĩnh đã đầu tư một kho lạnh có thể chứa khoảng 60 tấn quýt, kịp phục vụ nhu cầu bảo quản của người dân trong vụ tới.

Bà Huyên cũng gợi ý chính quyền huyện Trà Lĩnh và các cơ quan, ban ngành chức năng quy hoạch vùng sản xuất quýt Trà Lĩnh một cách hợp lý theo hướng hình thành vùng sản xuất chuyên canh, tập trung; nghiên cứu, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật từ khâu phục tráng giống đến thu hoạch, bảo quản sản phẩm theo hướng sản xuất sạch, sản xuất hữu cơ.