Theo PGS-TS Lê Tất Khương - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng, Bộ KH&CN, giải pháp đẩy mạnh các sản phẩm nông, lâm, thủy sản vùng Bắc Trung Bộ hiện nay là tăng cường sự tham gia của các thành phần kinh tế, xã hội; phát huy vai trò của các tổ chức cộng đồng.

Trong đó, việc nông dân và doanh nghiệp trực tiếp đầu tư đổi mới quy trình sản xuất, công nghệ và thiết bị sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Vườn dưa vàng kim hoàng hậu trồng trong nhà lưới tại Khu nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn. Ảnh: Loan Lê

Cụ thể với trồng trọt, cần phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế vùng, miền; khuyến khích doanh nghiệp liên kết, ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ nông sản với nông dân..

Về chăn nuôi: Phát triển chăn nuôi tập trung, trang trại, khuyến khích áp dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất khép kín, liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị từ sản xuất giống, thức ăn đến chế biến để nâng cao năng suất, tăng hiệu quả, giá trị gia tăng...

Về thủy sản: Tập trung sản xuất thâm canh các đối tượng nuôi chủ lực (tôm thẻ chân trắng, cá tra, rô phi, nhuyễn thể); tiếp tục đa dạng hóa đối tượng và phương pháp nuôi để khai thác cơ hội thị trường; khuyến khích nuôi công nghiệp, áp dụng công nghệ cao, đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại trong chế biến nâng cao giá trị sản phẩm...

Đối với lâm nghiệp: Chuyển đổi cơ cấu sản phẩm từ khai thác gỗ non xuất khẩu dăm gỗ sang khai thác gỗ lớn, nhằm tạo vùng nguyên liệu tập trung, cung cấp gỗ cho công nghiệp chế biến đồ gỗ xuất khẩu, giảm dần nhập khẩu gỗ nguyên liệu.