Theo ông Đoàn Hữu Đức - Chủ tịch UBND xã, trước kia với một đường cào 70m, người dân có thể thu hoạch được từ 15-20kg ốc gạo; nhưng giờ đây đáy sông có rất ít con ốc còn sống.
Chỉ còn cào được ốc chết
Ở cồn Phú Đa nói riêng và cả tỉnh Bến Tre nói chung, ốc gạo vốn là một đặc sản nổi tiếng với sản lượng lớn và giá trị kinh tế cao, góp phần thu hút khách du lịch đến với địa phương. Ông Đoàn Hữu Đức cho biết: “Điều kiện thổ nhưỡng đặc biệt tại khu vực nhánh rẽ của sông Cổ Chiên giúp con ốc gạo ở cồn Phú Đa ngon hơn hẳn con ốc gạo ở những nơi khác. Ốc gạo Phú Đa cật vàng, mình béo với lớp vỏ trắng đặc trưng”.
Bổ sung về sự khác biệt của ốc gạo ở Phú Đa, ông Trần Văn Tặng - chủ khu du lịch sinh thái Ba Ngói ở cồn Phú Đa - hào hứng kể: “Điều đặc biệt là ốc gạo ở đây chỉ có con non 3 tháng trong năm. Vào mùa khai thác, không bao giờ có ốc nhỏ trong con ốc mẹ. Trong khi đó, ốc gạo ở các địa phương khác có con non quanh năm”.
Nói về sản lượng ốc gạo ở Phú Đa, ông Đoàn Hữu Đức chia sẻ: “Năm 2004, khi mới thành lập, hợp tác xã Vĩnh Bình đã cào thăm dò thì thu được khoảng 500-600kg. Đến năm 2005, sản lượng là 7 tấn và đến năm 2006, sản lượng khai thác đạt 14-15 tấn. Mùa khai thác ốc gạo diễn ra từ ngày 5/5 âm lịch đến tháng 7 âm lịch. Đến khi lũ về là chúng tôi ngừng khai thác để ốc sinh sản và giữ sản lượng, đến tháng 5 âm lịch năm sau mới khai thác trở lại”.
Ốc gạo - một trong những đặc sản có tiếng ở cồn Đa Phú, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Ảnh: Bùi Văn Liêm
Theo ông Trần Văn Tặng, từ năm 2008, con vẹm sông đã bắt đầu xuất hiện nhiều ở cồn Phú Đa. Loài vẹm sống ký sinh vào con ốc khiến cho ốc không phát triển được. Tuy nhiên ở giai đoạn này, sản lượng ốc chưa bị ảnh hưởng. Đến năm 2011, sản lượng ốc gạo bắt đầu giảm dần và cho tới nay, người dân đã không còn thấy cảnh “một đường cào thu về cả chục cân”, người cào ốc gần như chỉ thu được toàn ốc chết.
“Năm 2004, giá ốc gạo là 10.000 đồng/kg, sau đó tăng lên 15.000-20.000 đồng/kg. Vào vụ, một người dân làm một buổi có thể thu nhập từ 250.000-300.000 đồng. Ngày trước, nhiều khách tới khu du lịch của tôi cũng chỉ để ăn món ốc gạo béo, ngon, giòn đặc biệt này. Giờ ốc gạo không còn nữa, du khách cũng thưa đi” - ông Tặng buồn rầu nói.
Chờ khoa học giải cứu
TS Bùi Thanh Liêm - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách - phân tích các nguyên nhân khiến con ốc gạo cồn Phú Đa biến mất: “Các hoạt động của con người đã khiến cho đáy sông bị bồi lắng, nước sông ô nhiễm, rác thải như túi nylon, chất bẩn xả nhiều ra sông đã làm ô nhiễm nghiêm trọng môi trường sinh sống của con ốc gạo. Thêm vào đó, các hoạt động của con người ở khu vực đầu nguồn như nuôi cá, khai thác cát… đã làm xáo trộn dòng chảy, thay đổi tốc độ dòng chảy, độ sâu của dòng sông”.
Sự xuất hiện loài vẹm ở Phú Đa cũng là yếu tố quan trọng khiến con ốc gạo dần biến mất. “Vẹm là loài vốn chỉ sống ở vùng nước lợ, việc nó xuất hiện ở cồn Phú Đa là do dòng chảy yếu đi, nước biển xâm lấn sâu tạo môi trường thuận lợi cho vẹm phát triển” - TS Bùi Thanh Liêm giải thích.
Trước nguy cơ loài ốc gạo hoàn toàn biến mất, Sở Khoa học và Công nghệ Bến Tre đã phối hợp với Đại học Cần Thơ nghiên cứu cải tạo môi trường, hạn chế vẹm sông nhằm cứu loài đặc sản này, nhưng cũng “không làm được gì và không có cách nào xử lý được” - theo lời ông Liêm.
Ông Đoàn Hữu Phú cho biết: “Cồn Phú Đa có diện tích mặt nước 150ha, trong đó chiều ngang dài khoảng 600-700m nên các nhà khoa học dù đã tới đây nghiên cứu cũng không thể xử lý được vì diện tích quá rộng. Khu vực cồn lại nằm ở hạ lưu, sông sâu, nước chảy mạnh, cứ xử lý xong đoạn này thì dòng nước khác lại chảy tới”.
Là người có nhiều năm gắn bó với con ốc gạo, ông Trần Văn Tặng cho biết ông đã thử tìm cách đưa ốc gạo ở cồn Phú Đa vào kênh mương nhà mình để tự nuôi nhưng cứ mang vào là ốc chết vì nó chỉ có thể sống được trong điều kiện tự nhiên. Do đó, ông cũng như nhiều người dân ở Phú Đa chỉ còn cách trông chờ vào các nhà khoa học.
Theo TS Bùi Thanh Liêm, hiện giờ nếu muốn cứu ốc gạo chỉ có cách cải tạo môi trường như cũ, nhưng điều này rất khó. Đặc biệt, cồn Phú Đa nằm ở khu vực hạ lưu nên không phải muốn thay đổi là thay đổi được ngay. “Nếu không có cách nào khác để giải cứu thì có thể trong một vài năm nữa đặc sản ốc gạo cồn Phú Đa sẽ chỉ còn là quá khứ” - ông Liêm nói.