Chia sẻ kinh nghiệm nuôi giống gà này với báo Đắk Nông, anh Quy cho biết: mỗi chuồng cần xây dựng với diện tích 2,5m2 và trung bình nuôi 5 con gà (bao gồm 1 trống 4 mái). Để chuồng trại bảo đảm vệ sinh và ít bệnh tật, gà được nuôi trên trấu (vỏ lúa, cà phê), một tháng thay trấu một lần, một tuần 2 lần khử trùng chuồng trại…
Nhược điểm của gà Đông Tảo là ở đường hô hấp, nên khi mới sinh được vài ngày phải cho nhỏ thuốc mắt, mũi và sử dụng những loài thuốc đặc trị viêm đường hô hấp. Gà mới nở không cho ăn ngay mà để sau khoảng 48 giờ, khi đó hệ tiêu hóa của chúng cứng cáp hơn mới cho ăn. Những ngày đầu chỉ cho gà con uống nước, ngày thứ 3 có thể cho ăn các loại thức ăn dễ tiêu hóa như tấm, gạo, mè… Nuôi khoảng 6 tháng thì gà có thể sinh sản và xuất chuồng.
Theo anh Quy, gà Đông Tảo rất hợp với khí hậu Tây Nguyên, không nóng lắm, không lạnh lắm. Cũng nhờ khí hậu như vậy mà gà con ít bị ảnh hưởng tới đường hô hấp, còn gà trưởng thành thì phát triển nhanh hơn.
Ngoài nuôi gà thương phẩm, anh Quy còn nhân nuôi gà giống theo một quy trình vô cùng khắt khe. Cứ khoảng 100 con gà giống sau một thời gian phải loại bỏ 50 con không đạt tiêu chuẩn, rồi loại tiếp 30 con, chỉ giữ lại khoảng 20 con đạt chất lượng nhất.
Với giá bán khoảng 400-500.000/kg gà thịt, 10 triệu/cặp gà giống, người nông dân này đã thu lãi tới 400 triệu đồng/năm.