“Trong cuộc cạnh tranh quyết liệt này, nếu không nhanh, nông sản Bến Tre có thể sẽ chết”.

Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Võ Thành Hạo bày tỏ sự lo lắng và cả tinh thần quyết tâm xây dựng thương hiệu cho các đặc sản địa phương trong buổi làm việc giữa lãnh đạo tỉnh với lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tại Hà Nội chiều 9/10.

Mải sản xuất, "quên" làm thương hiệu

Bến Tre là thủ phủ của dừa với diện tích khoảng 70.000ha, sản lượng mỗi năm gần 600 triệu trái, mang lại doanh thu khoảng 5.400 tỷ đồng. Người Việt Nam nghe nhắc đến dừa là nghĩ ngay tới Bến Tre, nhưng đến nay trái dừa xiêm cho thứ nước thơm ngọt của vùng đất này vẫn chưa được bảo hộ nhãn hiệu. Nhiều nông sản khác của tỉnh như bưởi da xanh, sầu riêng... cũng trong tình trạng tương tự.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ KH&CN, ông Cao Văn Trọng - Chủ tịch UBND tỉnh - cho biết thời gian qua, Bến Tre đã đầu tư nghiên cứu cây dừa theo chuỗi giá trị, gồm nghiên cứu kỹ thuật canh tác, công nghệ chế biến, máy móc hỗ trợ cơ giới hóa, chuyển giao công nghệ để chế biến, đa dạng hóa sản phẩm.

Đối với các cây ăn trái khác, tỉnh cũng chú trọng đầu tư ứng dụng khoa học để xây dựng mô hình canh tác và quy trình trồng hiệu quả, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạn chế sâu bệnh.

Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh cũng nhận ra địa phương vì chú trọng đến sản xuất mà “bỏ quên” việc làm thương hiệu và đang nỗ lực thay đổi điều này. Ông Võ Thành Hạo - Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre - nói: “Lâu nay, chúng tôi lo sản xuất, đến khi mang đi tiêu thụ mới thấy nông sản của mình không có thương hiệu. Doanh nghiệp phải bán qua tên người khác, rất thua thiệt”.

Dừa Bến Tre được vận chuyển bằng thuyền để bán cho thương lái. Ảnh: Cửu Long
Dừa Bến Tre được vận chuyển bằng thuyền để bán cho thương lái. Ảnh: Cửu Long

Trong khi các sản phẩm từ dừa đang ngày càng được ưa chuộng trên thế giới, dừa Bến Tre - đã được khẳng định là một trong những loại dừa tốt - hiện ít được biết đến. Do đó, doanh nghiệp phải mất số tiền lớn để mượn thượng hiệu; một sản phẩm giá 5 đồng thì phải chi tới 2 đồng cho thương hiệu.

Với sản phẩm bưởi da xanh, ông Hạo cũng trăn trở: “Hiện có rất nhiều nơi cũng trồng bưởi da xanh. Do chạy theo số lượng nên họ dùng thuốc kích thích tăng trưởng và phân bón tràn lan, khiến dư lượng thuốc trong trái bưởi cao. Trong khi đó, Bến Tre đi theo hướng trồng organic. Với sản lượng và diện tích không lớn, chúng tôi lo rằng nếu không xây dựng được thương hiệu, chẳng mấy chốc cái tên bưởi da xanh Bến Tre sẽ mất. Thương lái mua bưởi từ nhiều nơi nhưng vẫn ngang nhiên dán nhãn bưởi da xanh Bến Tre để bán”.

Xây dựng chỉ dẫn địa lý cho dừa, bưởi

“Một trong những mục tiêu quan trọng của Bến Tre là xác lập chỉ dẫn địa lý (CDĐL) cho dừa và bưởi da xanh” - ông Hạo cho biết. Để xây dựng thương hiệu cho nông sản, lãnh đạo Bến Tre đề xuất với Bộ KH&CN hỗ trợ địa phương trong việc xây dựng CDĐL cho các sản phẩm trên cũng như việc ứng dụng công nghệ mã số, mã vạch để truy xuất nguồn sản phẩm, phục vụ yêu cầu quản lý và nâng cao chất lượng.

“Tôi muốn làm nhanh phần truy xuất nguồn gốc để kiểm soát bưởi có ghi nhãn Bến Tre, người tiêu dùng có cơ sở để chọn sản phẩm đúng nguồn gốc xuất xứ. Tôi nghe nhiều chuyện như người bán hàng lấy bưởi, dừa nơi khác rồi rao bưởi Bến Tre, dừa Bến Tre. Người tiêu dùng mua về thấy sản phẩm không tốt, dễ nảy sinh ác cảm với sản phẩm gốc. Trong cuộc cạnh tranh quyết liệt này, nếu không nhanh, nông sản Bến Tre có thể sẽ chết” - ông Hạo lo lắng.

Ông Lê Ngọc Lâm - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT), Bộ KH&CN - cho biết cục sẵn sàng hỗ trợ Bến Tre tìm ra các đối tượng đăng ký quyền SHTT, tạo lập hồ sơ, thực hiện đăng ký xác lập quyền cũng như quy chế để quản lý các đối tượng bảo hộ sau này. Đối với dừa và bưởi da xanh, đơn xác lập quyền bảo hộ của tỉnh Bến Tre đang được thẩm định. Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, các sản phẩm nông sản của địa phương sẽ
được Cục SHTT tập trung xử lý trong thời gian ngắn nhất.

Tuy nhiên, ông Lâm khuyến cáo: “Để đơn được xử lý nhanh, các đơn vị trong tỉnh cần làm hồ sơ càng chuẩn càng tốt, để Cục SHTT không mất thời gian làm lại hoặc bổ sung các hồ sơ đó. Các đơn vị chức năng cũng cần xác định chính xác dấu hiệu của sản phẩm muốn đăng ký.

Ví dụ như dấu hiệu “Bến Tre” được tỉnh dùng để đăng ký cho 2 sản vật khác nhau; trong đó có đối tượng đã được bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận. Tỉnh nên cân nhắc đăng ký theo từng giai đoạn, cố gắng khai thác nhãn hiệu cho đến khi sản phẩm có được danh tiếng hoặc yếu tố đặc thù”. Thực tế, việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý đòi hỏi yếu tố đặc thù rất rõ rệt và cơ quan đăng ký phải có đầy đủ hồ sơ chứng minh.

Ông Lâm cũng cho rằng, tỉnh Bến Tre cần thông tin đến các doanh nghiệp về quy trình sản xuất và tiêu chuẩn của sản phẩm có CDĐL; cần có một tổ chức quản lý để đảm bảo các quy chế được thực hiện, vì “chỉ những sản phẩm có chất lượng mới duy trì được giá trị bền vững”.

Đối với đề nghị hỗ trợ của tỉnh về truy xuất nguồn gốc, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đại Dương cho biết, hiện đã có nhiệm vụ nghiên cứu về vấn đề này; điều cần làm là đưa kết quả nghiên cứu vào ứng dụng trong trường hợp của Bến Tre.

“Vai trò của Bộ KH&CN kết nối tỉnh với các nhóm nghiên cứu đã thực hiện và hướng dẫn tỉnh làm đúng thủ tục, quy trình để được chuyển giao kết quả nghiên cứu” - Thứ trưởng Phạm Đại Dương nói.