Krông Ana theo tiếng Ê Ðê có nghĩa là sông mẹ. Dòng sông mẹ hiền hòa đã ban tặng cho Krông Ana những cánh đồng phì nhiêu, màu mỡ, làm nên vựa lúa và thương hiệu gạo Krông Ana nổi tiếng tỉnh Đắk Lắk.

Mặc dù vậy, đến nay gạo Krông Ana vẫn chưa có thương hiệu riêng và người dân vẫn chịu thiệt khi hạt gạo họ làm ra vẫn mang danh người khác.

Gạo ngon nhờ đất, nước, khí hậu

Krông Ana là huyện trung tâm và là vựa lúa của tỉnh Đắk Lắk. Cánh đồng huyện Krông Ana được bồi đắp bởi 2 con sông lớn là sông Krông Nô (sông bố) và sông Krông Ana (sông mẹ) nên đất đai ở đây rất phì nhiêu. Độ màu mỡ của đất cùng khí hậu cao nguyên nhiệt đới ẩm là điều kiện tuyệt vời cho cây lúa đặc sản sinh trưởng và phát triển tốt.

“Vùng Krông Ana không có giống lúa bản địa nhưng do đặc điểm địa lý, đất đai, khí hậu mà các giống lúa được trồng ở đây cho chất lượng gạo ngon hơn so với khi trồng ở nơi khác. Hạt gạo Krông Ana trắng, sáng bóng, đầy đặn, khi nấu lên cơm dẻo, có vị ngọt dễ ăn” - ông Nguyễn Văn Tâm - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Ana - chia sẻ.

Ông Trần Đình Phi - chủ cơ sở xay xát Phi Cúc, thị trấn Buôn Trấp - không giấu nổi niềm vui khi cho biết, gạo Krông Ana ngon nên rất được người tiêu dùng ưa chuộng; gạo xay ra bao nhiêu đều được tiêu thụ hết.

Thu hoạch lúa trên cánh đồng Buôn Trấp. Ảnh: Thuận Nguyễn

Theo số liệu của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Ana, diện tích gieo trồng lúa trong toàn huyện đạt khoảng 11.000ha/năm, năng suất bình quân đạt 70 tạ/vụ, sản lượng lúa hằng năm đạt 77.000 tấn, tập trung nhiều nhất tại thị trấn Buôn Trấp và các xã Bình Hòa, Quảng Điền, Dur Kmăl, Đray Sáp.

Tình hình sản xuất lúa của huyện Krông Ana đã có bước phát triển đáng kể từ khâu làm đất đến thu hoạch, chế biến, bảo quản và xuất bán (từ 1 vụ/năm tăng lên 2 vụ/năm). Năng suất, chất lượng lúa gạo cũng không ngừng tăng lên. Sản phẩm lúa gạo của huyện Krông Ana đã có mặt trên nhiều thị trường trong nước, được người dân ưa chuộng.

“Tuy nhiên, việc tổ chức sản xuất lúa theo liên kết chuỗi giá trị, sản xuất cánh đồng lớn còn hạn chế, chưa phát huy được tiềm năng thế mạnh của địa phương, chưa có nhãn hiệu lúa gạo xứng tầm với tiềm năng nên lợi nhuận thu được còn rất thấp so với giá trị” - ông Nguyễn Văn Tâm nói.

Cần lắm một cái tên

Vụ xuân - hè 2017, với năng suất lúa 5-6 tạ/sào, gia đình ông Nguyễn Văn Trung - thị trấn Buôn Trấp, Krông Ana - đã thu được 57 triệu đồng/ha. 7ha trồng lúa đem lại cho gia đình ông tổng doanh thu gần 400 triệu đồng. “Tuy nhiên, vì gạo Krông Ana chưa có thương hiệu nên giá bán thấp và chủ yếu bán cho các thương lái ở Long An lên thu mua. Chính vì thế, sau cả vụ mùa, bà con lãi không được bao nhiêu” - ông Trung nói.

Cùng chung nỗi trăn trở đó, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Ana cho rằng, cái khó cho người sản xuất nông nghiệp vùng này chính là sản phẩm làm ra bị bắt chẹt, chỉ bán được cho thương lái với giá thấp. Cũng chính hạt lúa ấy khi chở ra khỏi địa bàn huyện được khoác lên cái tên mới lạ lẫm thì giá đã tăng gấp đôi. “Hiện, một kilôgram thóc ngon nhất tại đây được thương lái mua với giá chưa đến 7.000 đồng; sau khi sơ chế được bán tại chỗ giá 10.000 đồng” - ông Tâm nói.

Trước thực trạng đó, mới đây Sở Khoa học và Công nghệ Đắk Lắk đã thông qua dự án xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Gạo Krông Ana”, được thực hiện trong 1 năm (từ tháng 7/2017 đến tháng 7/2018).

Ông Trần Phước Ku Ba - Phó Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Krông Ana, chủ nhiệm dự án - cho biết, xây dựng nhãn hiệu “Gạo Krông Ana” là việc hết sức cần thiết để sản phẩm gạo của huyện có tính cạnh tranh cao, phát huy lợi thế, tiềm năng hiện có, nâng cao hiệu quả sản xuất, sức cạnh tranh của gạo Krông Ana và thúc đẩy nền nông nghiệp của huyện phát triển.

“Dự án này làm tăng giá trị thương phẩm của gạo, tạo động lực để phát triển sản phẩm gạo bền vững, nâng cao thu nhập cho người sản xuất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của huyện” - ông Ba chia sẻ.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Tâm - Phó Chủ nhiệm dự án - cũng cho rằng, việc xây dựng nhãn hiệu lúa gạo Krông Ana nhằm kêu gọi doanh nghiệp đến Krông Ana đầu tư và ký hợp đồng liên kết với người dân cùng sản xuất lúa gạo theo chuỗi giá trị, phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương, nâng cao năng suất lúa và chất lượng gạo, nâng cao thu nhập cho người dân.