Chính thức thả muỗi phòng bệnh sốt xuất huyết ở ngoại ô TP Nha Trang, sáng 6/3.
Chương trình thuộc Dự án "Hướng tới loại trừ sốt xuất huyết tại Việt Nam" do Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương kết hợp với Viện Pasteur Nha Trang, Sở Y tế Khánh Hoà.
Theo kế hoạch, từ ngày 6/3, việc thả muỗi được tiến hành mỗi tuần một lần ở 8 thôn trung tâm thuộc xã Vĩnh Lương, gồm các thôn Lương Sơn 1-2- 3, Văn Đăng 1-2- 3 và Võ Tánh 1-2. Thời gian thả muỗi dự kiến kéo dài trong 12-18 tuần. Mỗi tuần sẽ thả khoảng 100 con vào mỗi ô có kích thước 50mx50m, tương ứng với mức thả trung bình là 1 con muỗi/25m2/tuần.
Đây là lần đầu tiên muỗi mang Wolbachia được thả trên đất liền tại Việt Nam. Trước đó, vào năm 2013-2014, dự án đã thả muỗi mang Wolbachia trên thực địa hẹp tại đảo Trí Nguyên (TP Nha Trang).
Theo thông tin từ Dự án "Hướng tới loại trừ sốt xuất huyết tại Việt Nam", Wolbachia là loại vi khuẩn tự nhiên, có
trong tế bào của khoảng 60% loài côn trùng sống gần gũi xung quanh con
người như ruồi giấm, châu chấu, bướm, chuồn chuồn,... Qua nhiều năm nghiên cứu, các nhà khoa học trên thế giới
đã thành công trong việc cấy Wolbachia vào muỗi vằn và chứng
minh được rằng, trong cơ thể muỗi, chúng có khả năng ức chế sự phát triển
của vi-rút Dengue (gây bệnh sốt xuất huyết), vi-rút Zika và một số loại vi-rút khác
truyền qua muỗi, từ đó làm giảm nguy cơ lây truyền vi-rút gây bệnh sang
người.
Một đặc điểm rất có ích là Wolbachia được muỗi cái
truyền qua trứng sang thế hệ sau, trong khi muỗi đực mang Wolbachia nếu
cặp đôi với muỗi cái tự nhiên thì sẽ sinh ra trứng “ung”, do đó duy trì
hiệu quả lâu dài nhờ quá trình cặp đôi, sinh sản tự nhiên, mà không làm
tăng số lượng muỗi ở cộng đồng.
Nha Trang là địa phương có dịch bệnh sốt xuất huyết lưu hành thường xuyên, với số ca mắc tương đối cao trong tỉnh Khánh Hòa, trung bình trên 1.000 ca/năm. Những năm có dịch lớn, số mắc có thể lên đến xấp xỉ hoặc trên 2.000 ca, như trong các năm 2013, 2015. |