Tiết kiệm 50% lượng thuốc bảo vệ thực vật, giảm một nửa thời gian phun thuốc và không ảnh hưởng đến môi trường… là những ưu điểm nổi bật của bình xịt điện năng lượng do anh Trần Trung Hiếu, xã Vĩnh Lợi, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang – sáng chế.

Sản phẩm đoạt giải nhì tại hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh An Giang lần thứ 10 năm 2017.

Thu hồi vốn chỉ sau một vụ

Gia đình ông Nguyễn Phú Cường ở ấp Hoa Lợi 2, xã Vĩnh Lợi, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang có 60 công lúa (1 công = 1.000m2). Nếu như trước đây, khi sử dụng bình xịt thuốc với động cơ xăng, ông phải tiêu tốn hết 120 bình thuốc bảo vệ thực vật, thì hai năm nay với bình xịt điện năng lượng của anh Hiếu, số lượng thuốc đã giảm một nửa, chỉ còn 60 bình. Ông Cường phấn khởi cho biết: “Tính trung bình với mỗi công lúa, gia đình tôi chỉ cần sử dụng một bình xịt với giá chỉ trên 2 triệu đồng, và sau một vụ lúa tôi đã thu hồi được vốn đầu tư mua thiết bị”.

Còn với ông Đinh Thanh Đình (59 tuổi, xã An Phú, huyện Tịnh Biên, An Giang, thì gần đây dùng bình xịt năng lượng thay thế cho bình xịt tay sử dụng phun cho 3 – 4 công đất cây ăn trái và 5 – 6 công lúa của gia đình. “Trước đây, với bình xịt thường, mỗi công đất tôi phải phun hai bình 16 lít, thì giờ chỉ cần sử dụng một bình khoảng 20 lít là đủ. Đặc biệt thời gian phun giảm xuống gần một nửa, thay vì gần 20 phút/1 công đất, thì giờ chỉ mất khoảng 10 phút”, ông nói.

Cận cảnh bình xịt điện năng lượng do anh Trần Trung Hiếu sáng chế. Ảnh: Thanh Hải

Sản phẩm bình xịt điện năng lượng ông Cường và ông Đình đang sử dụng, được anh Trần Trung Hiếu nghiên cứu từ năm 2015. “Ban đầu tôi nghĩ làm ra một chiếc máy vì chi phí xịt thuốc của gia đình rất tốn kém, việc thuê nhân công khó khăn. Ngoài ra, khi xịt gặp sự cố không khởi động được máy… nên tôi muốn làm ra một thiết bị xịt thuốc trước tiên phục vụ cho gia đình, sau phục vụ bà con, giúp hạn chế tốn kém chi phí, ít ảnh hưởng đến môi trường”, anh Hiếu tâm sự.

Giải bài toán về pin

Bình xịt điện năng lượng do anh Hiếu chế tạo có cấu tạo vỏ và đế bình dung tích 25 lít, bơm áp lực 40W, ắc quy, các mạch tăng áp, mạch giảm áp, mạch chỉnh áp và pin năng lượng 30W. Trong quá trình xịt tấm pin năng lượng sẽ lấy năng lượng từ mặt trời, rồi nạp vào hệ thống tích điện. Khi nạp đầy năng lượng thì hệ thống có chế độ tự ngắt, đảm bảo hệ thống được sử dụng lâu dài và hiệu quả.

“Ưu điểm của bình xịt điện năng lượng so với bình xịt tay là không sử dụng xăng trong quá trình phun, không gây tiếng ồn, hạn chế ảnh hưởng môi trường do khí thải từ máy thải ra, và trọng lượng nhẹ hơn 2 – 3kg. Và so với bình xịt điện thì không cần phải sạc, thời gian phun dài hơn và chất lượng phun hiệu quả hơn. Với bà con nông dân, khi xịt từ 30 – 40 bình mỗi ngày sẽ tốn khoảng 1 lít xăng cho động cơ xăng, còn với bình xịt điện năng lượng thì chi phí đó bà con không phải tốn kém, do đó tiết kiệm được phần chi phí đáng kể”, anh Hiếu phấn khởi nói.

Mặc dù, bình xịt điện năng lượng có những ưu điểm vượt trội về kinh tế và xã hội so với những loại bình xịt hiện đang phổ biến trên thị trường, nhưng ông Nguyễn Minh Tiến, chuyên viên ban tư vấn phản biện kinh tế – xã hội, liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật tỉnh An Giang, cho rằng thời gian tới sản phẩm cần phải khắc phục nhược điểm về pin. “Hiện sản phẩm đang sử dụng dòng pin giống pin sử dụng cho laptop thời kỳ trước, nên sau một thời gian sử dụng, tuổi thọ pin sạc sẽ bị giảm theo thời gian, khi đó hiệu quả hoạt động không cao”.

Hiện anh Hiếu đã mở cơ sở sản xuất ngay tại gia đình và sản xuất theo đơn đạt hàng của bà con tại địa phương, đặc biệt nhiều cơ sở buôn bán ở Campuchia cũng qua đặt hàng. Sản phẩm hiện đang chờ công nhận bản quyền do cục Sở hữu trí tuệ cấp.