Đề tài do PGS-TS Trịnh Thị Lý - nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng - làm chủ nhiệm.
Bác sĩ gia đình (BSGĐ) là những bác sĩ đa khoa tốt nghiệp chuyên ngành y học gia đình, có trình độ tương đối toàn diện, được đào tạo bài bản, có thể giải quyết được những vấn đề sức khỏe ban đầu, có kỹ năng tư vấn tâm lý, quản lý xã hội để có thể khám, chẩn đoán, tiên lượng, hướng dẫn cho người bệnh về chế độ dinh dưỡng, chế độ sinh hoạt, các biện pháp vệ sinh phòng dịch, sàng lọc, theo dõi, quản lý điều trị bệnh mạn tính tại cộng đồng...
Tại phòng khám BSGĐ, bệnh nhân được khám, tư vấn và điều trị, nếu cần thiết sẽ chuyển lên bệnh viện tuyến trên có chức năng và chuyên khoa sâu hơn. Tuyến trên có nhiệm vụ phản hồi về cho BSGĐ để tiếp tục theo dõi và cập nhật thông tin người bệnh. Mỗi bệnh nhân quản lý tại BSGĐ sẽ được theo dõi một cách toàn diện, cập nhật liên tục diễn biến sức khỏe và bệnh tật. Như vậy, người bệnh nhẹ sẽ được giải quyết tại phòng khám BSGĐ không phải đến bệnh viện. Mô hình phòng khám BSGĐ sẽ góp phần giải quyết tình trạng quá tải ở các bệnh viện.
Đề tài đã triển khai xây dựng 5 mô hình phòng khám BSGĐ đảm bảo các điều kiện theo quy định của Bộ Y tế, bao gồm: mô hình tư nhân tại quận Hải An, Bệnh viện quận Lê Chân, Bệnh viện huyện Vĩnh Bảo, trạm y tế phường Minh Khai và trạm y tế xã Hòa Bình.
PGS-TS Trịnh Thị Lý cũng đề xuất, đến năm 2020 khuyến khích 50% các trạm y tế xã, phường có bác sĩ triển khai mô hình phòng khám BSGĐ; khuyến khích tất cả các bệnh viện quận/huyện, phòng khám đa khoa có ít nhất 1 bàn khám bệnh và quản lý sức khỏe theo nguyên lý y học gia đình.
Đề tài được Hội đồng khoa học thành phố Hải Phòng đánh giá cao và được xếp loại xuất sắc bởi tính ứng dụng, khả năng nhân rộng cũng như việc tiếp thu sáng tạo kinh nghiệm từ các mô hình trong và ngoài nước, phù hợp với các đơn vị y tế ở các tuyến cơ sở, trạm y té phường và bệnh viện quận.