Người Bình Định thường bọc tré bằng những cọng rơm vàng
Người địa phương cũng không lý giải nổi tên gọi đặc biệt của món ăn nhưng nghề làm tré có từ đầu thế kỷ XIX. Nhiều cơ sở sản xuất tại Đà Nẵng đã có 3-4 đời làm nghề này. Tuy mỗi cơ sở có bí quyết riêng nhưng nguyên liệu chính đều gồm thịt ba chỉ, thịt mông, thịt nạc vai, bì heo cùng nguyên phụ liệu là riềng, hạt mè đã rang chín.
Ngày nay, để có tré ngon và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, người làm phải chọn loại thịt heo vừa giết mổ và đã qua kiểm dịch. Thịt ba chỉ và thịt mông được cạo sạch lông, rửa sạch rồi hấp chín trong một giờ, riêng thịt nạc được chiên cho tới khi vàng đều. Trong khi thịt ba chỉ, thịt mông được xắt thành miếng vuông rồi thái nhuyễn thì thịt nạc lại thái thành lát mỏng. Riêng da heo được làm sạch, luộc chín rồi cán mỏng và thái chỉ.
Để tạo nên hương thơm cho tré, củ riềng là một trong những nguyên liệu không thể thiếu. Loại riềng lựa chọn phải không quá non hay quá già, được đặt mua từ các vùng nông thôn lân cận. Riềng sau khi đã rửa sạch, gọt sạch đất, cát được xay thành sợi mỏng.
Các loại thịt được trộn với gia vị gồm mì chính, đường, nước mắm, muối. Tỷ lệ trộn khác nhau sẽ làm nên sự khác biệt trong hương vị cho từng cơ sở. Với 60 năm làm nghề, cơ sở Tré Bà Đệ (đường Hải Phòng, TP Đà Nẵng) dùng muối được cô từ nước mắm để trộn thay muối thường.
Món tré đúng chuẩn phải được bọc bằng lá ổi ở bên ngoài.
Khi đã ngấm gia vị, tré được đưa vào máy ép thành từng khối vuông và gói trong lá chuối rộng khoảng 10cm. Ngoài lá chuối, nguyên liệu còn được gói trong một lớp lá ổi tạo ra mùi thơm đặc trưng và giảm bớt độ ngấy của thịt heo khi ăn.
Tré Bình Định được gói trong lá ổi, bọc trong bịch bóng sau đó mới đem ủ trong cây rơm. Bên ngoài được bọc bằng lớp áo rơm dày, bó chặt hai đầu bằng lạt. Việc gói tré công phu như vậy nên món ăn này giữ được thời gian khá lâu.
Món tré sau khi được gói trong bó rơm khoảng từ 2-3 ngày thịt sẽ được làm chín lên men tự nhiên. Khi ăn sẽ cảm nhận được vị chua, nồng hấp dẫn.