Vị đặc trưng không đâu có
Thôn Tuyết Diêm, xã Xuân Bình, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên có nghề làm muối truyền thống từ 300 năm nay. Hiện đặc sản này còn được sản xuất tại các thôn Trung Trinh, Lệ Uyên (xã Xuân Phương) và khu phố Lệ Uyên Đông (phường Xuân Yên) thuộc thị xã Sông Cầu. Với diện tích khoảng 220ha, hằng năm vùng nguyên liệu này cung cấp khoảng20.000 tấn muối cho thị trường.
Ông Nguyễn Hữu Lộc - Phó Chủ tịch Hợp tác xã Xuân Phương - cho biết: “Quy trình sản xuất muối Tuyết Diêm tương đồng với những vùng sản xuất khác. Điều làm nên sự khác biệt của muối Tuyết Diêm là nước biển ở đây mặn vừa phải nên hạt muối thường có màu trắng đục, vị mặn đặc trưng và không có vị chát”.
Hiện nay, muối Tuyết Diêm là nguồn nguyên liệu được các nhà thùng sản xuất nước mắm Gành Đỏ lựa chọn. Được ủ chượp bằng loại muối này, cá rã hết và cho vị mặn vừa phải. Cũng theo ông Lộc, nếu dùng muối ở những vùng biển khác như Ninh Thuận, Phan Thiết... thì nước mắm sẽ không có được vị đặc trưng như vậy.
Người dân sản xuất muối Tuyết Diêm. Ảnh: Tuyết Hường
Ở góc độ khoa học, ông Nghiệp Quốc Vương - Chủ nhiệm dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận Muối Tuyết Diêm cho sản phẩm muối của thị xã Sông Cầu” - cho biết: “Hạt muối hình tinh thể đa giác, màu trắng đục và có vị mặn đặc trưng. Hàm lượng NaCl đạt khoảng từ 95- 98%, độ ẩm từ 4-10% và tạp chất không tan khoảng 0,24%. Xét cả góc độ khoa học và cảm quan, muối Tuyết Diêm được đánh giá là loại ngon vì nó không mặn chát mà mặn nồng - một thứ muối hoàn hảo”.
Giá muối lên - xuống thất thường
Mặc dù được đánh giá cao nhưng 3 năm trở lại đây, giá muối Tuyết Diêm lên xuống thất thường. Những năm được mùa muối, diêm dân dù đầu tư tiền làm sân bãi, đầm da cho ruộng muối tốn khoảng 10 triệu đồng nhưng doanh thu cũng chỉ đạt khoảng 5-7 triệu đồng.
“Năm nào muối được mùa, thương lái thường thu mua với giá khoảng 400.000 đồng/tấn. 2-3 năm nay, diêm dân chúng tôi sống vất vả vô cùng. Mỗi năm chỉ có khoảng 6 tháng làm muối, từ tháng 2 đến tháng 8. Cuối vụ tính lại mới thấy tiền thu về không đủ vốn đã bỏ ra” - ông Nguyễn Hữu Lộc than thở.
Năm nay, do mưa liên miên, muối mất mùa nên được giá. Thương lái đang thu mua với giá 800.000-900.000 đồng/tấn. Tuy nhiên theo ông Lộc, nếu giá muối ổn định ở mức 1 triệu đồng/tấn thì diêm dân mới có thể tiếp tục bám trụ với nghề.
Theo ông Nghiệp Quốc Vương, muối Tuyết Diêm tuy có thương hiệu nhưng sản xuất vẫn còn ở quy mô nhỏ, manh mún, chủ yếu theo phương thức truyền thống là phơi nước phân tán. Công nghệ phơi nước trên nền ô kết tinh trải bạt chỉ đang trong quá thử nghiệm. Do quy trình sản xuất phụ thuộc vào thời tiết nên năm 2016, sản lượng muối chỉ đạt khoảng 60-65% so với năm 2015 vì mưa trái mùa.
Hiện nay, muối Tuyết Diêm chủ yếu được bán cho các nhà thùng để sản xuất nước mắm hoặc bán lẻ dùng trong gia đình. Chưa có con đường nào khác để sản phẩm này nâng cao giá trị cũng như tăng đầu ra.
Ông Nguyễn Hữu Lộc tiết lộ: “Đánh giá cao chất lượng của muối Tuyết Diêm, một số chủ đầu tư xây dựng mô hình làm hầm muối. Tức là muối sau khi được thu mua sẽ đưa vào hầm đun lên cho muối nổ và mịn ra để làm gia vị nêm nếm thức ăn. Khu vực Tây Nguyên hoặc các tỉnh miền Trung ở vùng xa xôi sẽ là nơi tiêu thụ chính của sản phẩm này”. Với mức giá cao gấp 2-3 lần so với muối thô, muối hầm được xem là một hướng đi giúp nâng cao thu nhập cho diêm dân ở thị xã Sông Cầu.
Xa hơn nữa, theo ông Nghiệp Quốc Vương, muối Tuyết Diêm khi nhận được nhãn hiệu chứng nhận sẽ khẳng định được vị thế trên thị trường, được đầu tư để phát triển đúng với tiềm năng, danh tiếng của sản phẩm đặc sản địa phương.
“Ủy ban Nhân dân tỉnh đã phê duyệt dự án quy hoạch sản xuất, chế biến và lưu thông muối của Phú Yên đến năm 2020 - tầm nhìn 2030. Các hợp tác xã đang chuyển đổi từ cách làm truyền thống - phơi nước trên nền đất - sang phơi trên nền bạt và dùng nước mặn lấy từ mạch nước ngầm thay cho nước dẫn trực tiếp từ biển vào. Với cách làm này, muối sẽ sạch và tinh khiết hơn nhiều lần, đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng. Với những bước đà đó, muối Tuyết Diêm có thể trở thành sản phẩm chủ lực của Phú Yên trong thời gian tới” - ông Vương kỳ vọng.