Thạc sỹ Đinh Cát Điềm - Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN), Sở KH&CN Bến Tre - cho biết.
Chi phí đầu tư cao
Cà chua picota (còn gọi là cà chua bi) vị ngọt, giàu vitamin, thích hợp ăn tươi, trộn sa lát. Năm 2015, dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao trồng thử nghiệm cây cà chua picota trong nhà màng” được thạc sỹ (ThS) Đinh Cát Điềm triển khai thành công tại Bến Tre. Nhà màng giúp hạn chế sâu bệnh và ảnh hưởng của thời tiết nên năng suất cà chua cao hơn rất nhiều so với trồng ngoài đồng.
Theo ThS Điềm, nếu được đầu tư đầy đủ hệ thống nhiệt độ, độ ẩm, quạt thông gió... đúng chỉ tiêu của một nhà màng chuẩn thì hiệu quả còn cao hơn nữa: “Chúng tôi thực hiện dự án khi nhà màng được thi công chưa hoàn chỉnh, hoạt động sản xuất dịch vụ diễn ra cùng lúc với thời gian xây dựng mô hình nên ngăn chặn không triệt để dịch bệnh, sâu hại, làm phát sinh chi phí phòng trừ sâu hại và bọ trĩ. Vì mô hình tương đối nhỏ nên việc pha dinh dưỡng, phân bón cho cây hoàn toàn được thực hiện thủ công, bồn chứa 1.000 lít sử dụng rất nhanh hết khi cây vào giai đoạn đậu trái”.
Mô hình trồng cà chua picota ở khu ứng dụng công nghệ sinh học Cái Mơn. Ảnh: Việt Hòa
Ông Điềm cho biết, tuy hiệu quả nhưng chi phí đầu tư cho mô hình khá cao. Tiền đầu tư xây dựng, lắp đặt nhà màng và hệ thống tưới khoảng 298 triệu đồng, riêng nhà màng đã chiếm 200 triệu đồng.
Cần có chính sách ưu đãi riêng
Trước những khó khăn về chi phí đầu tư, ThS Điềm cho rằng cần có những chính sách ưu đãi như hỗ trợ lãi suất vay trong 2-3 năm đầu cho các tổ chức, cá nhân ứng dụng mô hình; phát triển hoặc hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư xây dựng nhà màng, nhà lưới sản xuất hoặc có thể đầu tư nhà màng theo hướng tiết kiệm, tận dụng cây gỗ tại vườn nhà thay vì làm nhà sắt.
“Nhà nước cần hỗ trợ đào tạo tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân có điều kiện đầu tư sản xuất cây trồng, rau màu theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, mô hình cũng cần được giới thiệu rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để nông dân có thể học hỏi kinh nghiệm và kỹ thuật, sau đó áp dụng tại địa phương mình” - ThS Điềm kiến nghị.
Theo kinh nghiệm thực tế, ông Điềm cho biết, nếu thực hiện mô hình trên quy mô lớn (hơn 1ha) thì nên xây dựng thêm trạm điều khiển tưới trung tâm. Từ đây có thể kiểm soát được áp lực nước, tốc độ và lưu lượng dòng chảy, lưu lượng phân bón và thuốc trừ sâu theo từng giai đoạn cây trồng.
Hiện mô hình này được nhiều người dân đến tham quan, học tập. Một số hộ dân nhận thấy có thể phát triển cà chua theo hướng cây cảnh. Theo họ, cây cho trái đẹp, nếu chuyển trồng vào chậu cảnh - nhất là vào dịp Tết - sẽ rất bắt mắt và có giá trị kinh tế cao. Vì vậy, ThS Điềm đề xuất cần có những ưu đãi khi đưa công nghệ vào trong nông nghiệp sạch như các quy định về sử dụng ít thuốc trừ sâu so với trồng truyền thống hiện nay.