Mô hình liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản đã được khởi động từ lâu ở Quảng Ninh. Tuy nhiên 1-2 năm trở lại đây, sau những thành công bước đầu đầy ấn tượng của chương trình OCOP, mô hình này mới thực sự khiến người nông dân chú ý.

Vững tâm làm giàu

Là thành viên của Câu lạc bộ (CLB) Hàu sữa Vân Đồn, ông Trần Văn Thiên hoàn toàn yên tâm khi sản phẩm mình làm ra đã có nơi tiêu thụ ổn định.

Ông Thiên cùng các thành viên khác trong CLB càng yên tâm hơn khi trong đợt dịch bệnh khiến hàu chết hàng loạt vừa qua, phần lớn hàu nuôi của các hộ trong CLB đều khỏe mạnh và phát triển tốt.

Một điều nữa khiến ông Thiên phấn khởi là CLB (gồm 20 thành viên với diện tích nuôi 50ha, mỗi năm cung cấp ra thị trường hơn 3.000 tấn hàu) được chọn vào dự án hỗ trợ kinh phí học tập kinh nghiệm một số vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP do Bỉ hỗ trợ.

Mô hình sản xuất rau sạch tại Công ty CP Đầu tư Song Hành tại xã Tiền An, thị xã Quảng Yên.
Ảnh: N.Q

Tham gia vào mô hình này, các hộ nuôi hàu thường xuyên được Hội Nông dân (ND) huyện Vân Đồn tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về quy trình sản xuất an toàn. Bên cạnh đó, Hội ND huyện còn phối hợp cơ quan thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm đối với sản phẩm hàu sữa; thuê đơn vị tư vấn thẩm định mẫu đất, nước và các vi lượng khác.

Đặc biệt, hiện nay Hội ND huyện định hướng cho các thành viên trong CLB xây dựng mô hình thành HTX chuyên sản xuất hàu sạch theo tiêu chuẩn VietGAP. Ông Trần Văn Thiên cho biết: “Sản xuất theo chuỗi giá trị không chỉ giúp các hộ nuôi phòng, tránh dịch bệnh, mà còn nâng cao năng suất, chất lượng, giúp đầu ra sản phẩm ổn định hơn. Thời gian tới, CLB sẽ tiếp tục vận động các hộ nuôi thực hiện nghiêm việc ký cam kết đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP)”.

Khác hẳn với những niềm vui của những người sản xuất trong mô hình, thời điểm này năm ngoái, anh Mạc Văn Ngô còn đang bận rộn với việc thu hàu để bán nhưng năm nay, mỗi ngày anh lại đi vớt hàu chết. "Tôi nuôi 4 bè, ngay tại khu Cái Đản huyện Tiên Yên, vừa rồi khi kiểm tra lại thì số hàu chết khoảng 15% trong 1 bè" - anh Ngô kể.

Vốn có đất rộng, lao động trong gia đình lại nhiều, nhưng trước đây anh Trần Văn Thắng (thôn Đồng Tâm, xã Dực Yên, huyện Đầm Hà) không mấy mặn mà với sản xuất nông nghiệp. Nhưng kể từ ngày tham gia CLB Nông trang Dực Yên, anh Thắng tìm lại được niềm hứng khởi, mở lối rẽ mới cho gia đình khi quyết tâm làm trang trại.

Anh Thắng chia sẻ: “Trước đây việc chăn nuôi gà chủ yếu theo kinh nghiệm, nên vấn đề VSATTP thường chưa được thực hiện một cách triệt để. Từ khi tham gia dự án nuôi gà từ nguồn vốn vay của Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh, các hội viên trong CLB phải ký cam kết thực hiện đúng quy trình sản xuất an toàn. Chính sự khắt khe, nghiêm túc này đã thúc đẩy chúng tôi tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, quy trình chăn nuôi được tuân thủ theo đúng hướng dẫn và theo dõi sát sao bằng sổ nhật ký”.

Liên kết bằng “sợi dây” an toàn thực phẩm

Nhiều mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân theo chuỗi VSATTP đã thay đổi diện mạo sản xuất và tiêu thụ nông sản trên địa bàn Quảng Ninh.

Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thuỷ sản Quảng Ninh (huyện Vân Đồn) là đơn vị duy nhất của tỉnh có 2 sản phẩm là ruốc hàu Thái Bình Dương và ruốc cơ trai được trao giấy chứng nhận xếp hạng 5 sao OCOP. Quy trình chế biến sản phẩm được khép kín, từ sơ chế nguyên liệu, cấp đông, trần, sấy khô, xé, xào đến đóng lọ, thanh trùng, dán nhãn… đều được thực hiện đảm bảo yêu cầu nghiêm ngặt về VSATTP.

Xác định nguồn nguyên liệu đầu vào là vấn đề tiên quyết, các nguồn nguyên liệu đưa vào chế biến của công ty đều có hợp đồng nhập từ các tàu cá lớn có giấy chứng nhận ATTP hoặc các cơ sở sản xuất uy tín; nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; sản phẩm tươi, ngon, đảm bảo. Trong đó, nguyên liệu để sản xuất ruốc hàu Thái Bình Dương được nhập từ Công ty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long (Tập đoàn BIM) có giấy chứng nhận xuất xứ. Mỗi lô hàng của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thuỷ sản Quảng Ninh đều được giám sát, cấp phiếu kiểm soát, cấp giấy chứng nhận xuất xứ.

Theo đánh giá của Trung ương Hội ND Việt Nam, đây được coi là cách làm liên kết hiệu quả, phù hợp với thực tế hiện nay. Tuy nhiên, không bằng lòng với kết quả này, năm 2017, Hội ND tỉnh tiếp tục củng cố và phát triển mới các mô hình liên kết, gắn chặt với đảm bảo VSATTP. Mục tiêu đặt ra trong năm 2017 đối với Hội ND các cấp là sẽ phải vận động, hướng dẫn, hỗ trợ thành lập, phát triển 3 HTX kiểu mới; xây dựng 16 tổ hợp tác và 12 CLB liên kết sản xuất. Việc nâng cao hiệu quả các mô hình liên kết sản xuất sẽ phải song hành với việc bảo đảm VSATTP và là một trong những nội dung quan trọng để xét tiêu chí thi đua cho các tập thể, cá nhân.

Với kinh nghiệm trong quá trình đồng hành với người nông dân, ông Vũ Thành Long - Chủ tịch Hội ND tỉnh Quảng Ninh chỉ ra sự thay đổi ý thức của người dân từ mô hình này: “Hiện nay nông dân Quảng Ninh đang có xu hướng dần xích lại gần nhau trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên nếu không có Hội ND, các hoạt động đó sẽ lẻ tẻ, rời rạc và gặp nhiều khó khăn”.

Nhận thức rõ được điều này, Hội ND tỉnh đã xác định việc tăng cường và nâng cao hiệu quả các mô hình liên kết sản xuất trong nông nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Năm 2017, Hội tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức và hiểu biết cho hội viên, nông dân về sự cần thiết của việc phát triển các mô hình liên kết sản xuất gắn với bảo đảm ATVSTP; tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng, xây dựng kế hoạch và lộ trình cụ thể về củng cố, phát triển mới các mô hình liên kết sản xuất; tổ chức hoạt động tư vấn, hỗ trợ phát triển sản xuất như: Vay vốn, tập huấn, tư vấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật và công tác quản lý trong sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thông tin, tham gia xây dựng thương hiệu, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm…

Phát biểu trong hội nghị “Phát triển mỗi xã một sản phẩm trong xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp” tại Quảng Ninh hồi tháng 3.2017, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định: Từ thực tiễn Quảng Ninh cho thấy, nhiều vấn đề quan trọng của nông thôn đã được địa phương chú trọng và triển khai hiệu quả như: giảm nghèo, việc làm, phát huy tính sáng tạo, trí tuệ của người dân, xây dựng được những tổ chức liên kết kinh tế cộng đồng bền vững, tăng khả năng sản xuất và tiêu thụ, tạo ra nhiều việc làm ổn định, đồng thời tăng thu nhập cho người dân địa phương...