Một nghiên cứu mới cho thấy nhà tuyển dụng ở các tỉnh miền núi phía Bắc có xu hướng ưu tiên sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học ở Hà Nội và các trường đại học trong khu vực; tuy nhiên, họ không phân biệt sinh viên tốt nghiệp từ một chương trình đào tạo cụ thể nào.
Trong nghiên cứu có tên “Nhu cầu về mặt kỹ năng đối với nguồn nhân lực ở các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam”, nhóm tác giả đã tiến hành phỏng vấn sâu 40 nhà tuyển dụng mà đại diện là các giám đốc, trưởng phòng nhân sự, nhân viên phòng tuyển dụng, và các đại diện tuyển dụng của các tỉnh như giám đốc sở nội vụ và trưởng ban tổ chức tỉnh ủy, chủ tịch/phó chủ tịch các hiệp hội doanh nghiệp.
Mục đích của nghiên cứu nhằm trả lời ba câu hỏi: Các nhà tuyển dụng yêu cầu những kỹ năng gì từ các ứng viên sinh viên? Các nhà tuyển dụng đánh giá kiến thức, kỹ năng và thái độ của người ứng tuyển như thế nào? Các nhà tuyển dụng có mong muốn tuyển dụng ứng viên tốt nghiệp từ một trường đại học cụ thể hay một chương trình cụ thể nào ở vùng miền núi phía Bắc nói riêng hay ở Việt Nam nói chung không?
Nghiên cứu được thực hiện trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 7/2018 bởi nhóm các tác giả chính bao gồm: PGS Trần Thị Lý (Khoa Giáo dục, Trường Đại học Deakin, Úc); TS Nguyễn Thị Mai Hoa (giảng viên chính, Khoa Giáo dục, Đại học New South Wales, Úc); và TS Ngô Thị Hằng Nga (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu các dân tộc Tây Bắc, Đại học Tây Bắc, Việt Nam).
Kết quả nghiên cứu cho thấy các nhà tuyển dụng lao động ở các tỉnh phía bắc có xu hướng ưu tiên hàng đầu đối với sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học ở Hà Nội như: Đại học Sư phạm, Đại học Nông nghiệp, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Bách khoa. Ưu tiên tiếp theo là sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học trong khu vực. Tuy nhiên, họ không phân biệt sinh viên tốt nghiệp từ một chương trình đào tạo cụ thể.
PGS Trần Thị Lý nhấn mạnh, bên cạnh những kỹ năng nghề nghiệp thường được nhắc đến như các kỹ năng tương tác – bao gồm kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng hợp tác và kỹ năng phản biện, kết quả nghiên cứu cho thấy các nhà tuyển dụng còn chú trọng kỹ năng tự học và khả năng linh hoạt thích nghi với yêu cầu công việc cũng như môi trường làm việc. “Những kỹ năng nghề nghiệp này rất cần thiết khi người lao động phải đảm đương những vị trí đòi hỏi kiến thức và kỹ năng đa dạng hơn so với chuyên ngành mình được đào tạo hay phải làm việc trái với chuyên ngành, và đặc biệt là phải đối mặt với những thay đổi thường xuyên và yêu cầu mới trong chuyên môn,” PGS Lý nói với Khoa học và Phát triển.
Theo nghiên cứu, trước Đổi mới (1986), nhà tuyển dụng chủ yếu đòi hỏi ứng viên phải có các phẩm chất như lễ phép, trung thành, chăm chỉ, vâng lời và biết làm theo hướng dẫn; trong khi đó, các nhà tuyển dụng sau Đổi mới lại đề cao khả năng sáng tạo, làm việc độc lập và chịu được áp lực.
Để nâng cao khả năng có việc làm đối với sinh viên, nhóm tác giả đã nêu một số kiến nghị như đổi mới chương trình đào tạo bằng cách lồng ghép các dự án thực tế hay các bài tập giải quyết các vấn đề thực tế. Chương trình thực tập cũng cần chú trọng đến thời lượng và chất lượng, và trải dài suốt các năm học.
Bên cạnh đó, các trường đại học cần thành lập các trung tâm hỗ trợ phát triển năng lực tuyển dụng và tư vấn nghề cho sinh viên, tổ chức các lớp dạy các kỹ năng việc làm như viết CV hay chuẩn bị phỏng vấn, hướng dẫn sinh viên lập kế hoạch cá nhân và phát triển hồ sơ năng lực nghề nghiệp (professional portfolio) từ năm thứ nhất.
Nhóm tác giả còn kiến nghị phát triển chiến lược hợp tác giữa các bên liên quan, chia sẻ trách nhiệm giữa sinh viên, nhà trường và cộng đồng. Theo nghiên cứu, hầu hết các công ty được phỏng vấn đều sẵn sàng hợp tác với các trường đại học trong việc hỗ trợ đào tạo kỹ năng tốt cho sinh viên bởi nếu làm được như vậy sẽ giúp giảm chi phí và nguồn lực cho doanh nghiệp khi phải đào tạo lại nhân viên mới.
Nghiên cứu nói trên là một hoạt động thuộc hợp phần QUNIS (Improving Quality of Universities in Northern Mountainous Region - Nâng cao chất lượng tại các trường Đại học miền núi phía Bắc), được Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc phê duyệt trong Kế hoạch hoạt động năm 2017-2018.
Ngày 2/7, nhóm tác giả đã phối hợp với Chương trình Úc cùng Việt Nam Phát triển Nguồn nhân lực (Aus4Skills) và trường Đại học Nông-Lâm Thái Nguyên tổ chức hội thảo chia sẻ kết quả nghiên cứu tại Thái Nguyên với thành phần tham gia bao gồm lãnh đạo, cán bộ quản lý, giảng viên của một số trường thuộc Đại học Thái Nguyên, đại diện sinh viên mới ra trường, đại diện đơn vị sử dụng người lao động.
Một hội thảo tương tự sẽ được tổ chức tại Sơn La vào ngày 4/7 với sự tham gia của lãnh đạo, cán bộ quản lý, giảng viên Trường Đại học Tây Bắc cùng các bên liên quan.
Nghiên cứu chỉ ra, các nhà tuyển dụng ở các tỉnh miền núi phía Bắc kỳ vọng ứng viên sẽ có một số trong các kỹ năng sau:
Kỹ năng thích nghi/ Kỹ năng linh hoạt Kỹ năng tự học Kỹ năng tương tác Giải quyết vấn đề Công nghệ thông tin Ngoại ngữ Sáng tạo/khởi nghiệp/tự tạo việc làm Kỹ năng tự quản lý và tổ chức công việc Kỹ năng phát triển nghề nghiệp
Còn
theo các đại diện tuyển dụng như giám
đốc sở nội vụ và trưởng ban tổ chức tỉnh ủy, các tỉnh miền núi phía Bắc đang có nhu cầu
về nhân lực ở các ngành xây dựng, giao thông, viễn thông, ngoại
ngữ, và đặc biệt là ngành kiểm định chất lượng - Nhóm nghiên cứu cho Khoa học và Phát triển biết.
|