Trước thực trạng gần 2/3 diện tích chè shan tuyết Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái bị mối xông, một nửa số cây chè tổ bị mối xông chết, các nhà khoa học cho rằng, phải áp dụng cùng lúc nhiều biện pháp mới có thể ngăn ngừa sự tấn công của “tập đoàn” này.

Gần 2/3 diện tích chè shan tuyết bị mối xông

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn, Suối Giàng là một xã vùng cao nằm trên độ cao gần 1.400m so với mực nước biển, có khí hậu ôn hòa, mát mẻ nhiệt độ trung bình cả năm hơn 20 độ C, thích hợp cho cây chè phát triển. Cây chè ở đây có đặc điểm lá to, dày và có màu xanh đậm, sẫm, búp chè to mập mạp. Mặt lá phủ một lớp lông tơ mỏng giống như có tuyết phủ lên. Chè Suối Giàng đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu Suối Giàng năm 2013.

Hiện diện tích trồng chè của xã Suối Giàng là 437,5ha (336,7ha chè kinh doanh, 100,8ha chè kiến thiết cơ bản), trong đó có 193ha chè cổ thụ. Diện tích chè cổ thụ tập trung chủ yếu tại 4 thôn Pang Cáng, Bản Mới, Giàng A và Giàng B. Sản lượng chè búp tươi hằng năm đạt từ 500-550 tấn với giá bán trung bình khoảng 300.000 đồng/kg.

Gần 2/3 diện tích chè shan tuyết Suối Giàng bị mối xông, trong đó một nửa cây chè tổ bị mối xông chết. Ảnh: Thế Hoàng

Mặc dù chè shan tuyết Suối Giàng đã có danh tiếng từ lâu, có thị trường tiêu thụ rộng, được người tiêu dùng tin tưởng nhưng điều lo ngại hiện nay là chè shan tuyết đang bị “tập đoàn” mối tấn công. Ông Nguyễn Văn Toản - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn, cho Khoa học và Phát triển biết, nạn mối tấn công cây chè shan đã diễn ra gần 10 năm nay nhưng số lượng cũng như diện tích cây chè bị mối xông ngày càng tăng. Theo kết quả đề tài “Nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật phòng, chống mối (isopteran) phá hoại vùng chè shan tuyết trên địa bàn tỉnh Yên Bái” năm 2013 tại xã Suối Giàng, tỷ lệ mối gây hại là 28,9%; trong đó tỷ lệ nặng là 5,4%.

Còn theo Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn Hoàng Hữu Dũng, hiện nay, khoảng 2/3 tổng diện tích chè shan tuyết Suối Giàng và số cây chè đánh số đại diện cho cây di sản đang bị mối xông. 2 cây chè di sản già yếu và gần một nửa số cây chè tổ khác đã bị mối xông chết. “Vùng chè shan tuyết Suối Giàng được hình thành từ lâu, phần lớn diện tích là cây chè cổ thụ trên 100 năm tuổi, và phân bổ trên diện tích rộng. Hiện nhiều cây bị mối và gia súc phá hoại nên sinh trưởng phát triển kém, cho năng suất thấp” - ông Hoàng Hữu Dũng nói.

Các biện pháp để tổng tấn công vào "tập đoàn" mối

Trước thực trạng này, giai đoạn 2013-2017, UBND huyện Văn Chấn đã triển khai trồng bổ sung 107,8ha bằng hạt giống chè shan với mật độ 3.000 cây/ha tại xã Suối Giàng. Bên cạnh đó, đề tài “Nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật phòng, chống mối (Isoptera) phá hoại vùng chè shan tuyết trên địa bàn tỉnh Yên Bái” đã được triển khai thử nghiệm trên diện tích 3.000-4.000m2. Tuy nhiên, mô hình này không được duy trì lâu. Nguyên nhân theo ông Dũng là do 97% bà con ở Suối Giàng là người dân tộc Mông nên việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc, bảo vệ, thu hái chè còn nhiều hạn chế.

Để nâng cao hiệu quả của cây chè shan tuyết, ông Dũng cho rằng cần thành lập Ban quản lý và phát triển chè Suối Giàng bao gồm cán bộ khuyến nông, trưởng thôn bản, hội nông dân, đoàn thanh niên, giám đốc HTX chè Suối Giàng… nhằm tuyên truyền cho người dân không thả rông gia súc (trâu, bò, lợn…) vào nương và khách tham quan du lịch không trèo lên cây làm xước vỏ cây chè - một trong những nguyên nhân làm tăng tỷ lệ mối xông.

Cận cảnh cây chè shan tuyết bị mối xông. Ảnh: Thế Hoàng

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Thị Bích Ngọc – Phó Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam - cho rằng, cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật tổng hợp để phòng trừ mối như biện pháp biện pháp hóa học, biện pháp vật lý, biện pháp canh tác...

Cụ thể, về biện pháp hóa học, PGS.TS Nguyễn Thị Bích Ngọc lưu ý, do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái thành lập ngạch hữu cơ và thương mại bình đẳng cho sản phẩm chè Suối Giàng trong khuôn khổ hợp tác với tỉnh Val de Marne của Pháp mới đây, nên bà con không thể áp dụng thuốc hóa học để diệt trừ mối mà phải sử dụng thuốc có nguồn gốc sinh học. Tuy nhiên, thuốc có nguồn gốc sinh học có thời gian bảo quản ngắn, từ khi sản xuất đến khi sử dụng chỉ kéo dài trong vòng 6-7 tháng, trong khi nhà sản xuất không phải lúc nào cũng có thuốc để bán và bà con không phải lúc nào cần cũng có để mua. “Chính vì vậy, điều quan trọng là phải nâng cao nhận thức và kiến thức cho bà con, để việc bảo vệ cây chè trở thành một thói quen thường xuyên, một kỹ năng thuần thục”, PGS.TS Bích Ngọc nhấn mạnh.

Về biện pháp vật lý, tại các nương chè có mối gây hại, PGS.TS Bích Ngọc gợi ý bà con nên sử dụng các bóng đèn tích điện, treo cao 2,5-3m, phía dưới để chậu nước có chứa 1 lớp dầu hỏa để thu hút, tiêu diệt mối cánh khi giao hoan trong mùa mưa bão (tháng 5 đến tháng 7).

Về biện pháp canh tác, bà con cần vệ sinh gốc chè, loại bỏ rêu, mối bò lên thân, cành chè vào giai đoạn cuối năm (tháng 11-12 trong năm) nhằm tạo độ thông thoáng cho nương chè. Sau khi đốn chè, sử dụng cành chè khô chặt ngắn cho vào hố (kích thước 40x40x40cm, mật độ 50 hố/m2) để dẫn dụ mối, có tác dụng “chia lửa” với cây chè, đặc biệt vào giai đoạn mối phá hoại mạnh (giữa năm, cuối năm).

“Điều quan trọng là không chỉ diệt mối mà còn cần làm các hố nhử hấp dẫn mối ra xa gốc chè, tức là hạn chế tác động của mối lên cây mục đích; chăm sóc để cây khỏe không bị tấn công hay khi cây chớm bị mối tấn công thì cần phải loại bỏ sớm. Đó là cách làm hữu hiệu nhất” - PGS Nguyễn Thị Bích Ngọc nói.