Kẹo gương là loại kẹo đặc sản của tỉnh Quảng Ngãi. Nó có hương vị thơm ngon, lạ miệng, rất được ưa thích. Vì kẹo mỏng, có màu vàng trong suốt và óng ánh như hổ phách như chiếc gương soi nên có tên gọi là kẹo gương.
Sở dĩ nó có tên gọi là kẹo gương vì nó trong như pha lê, đẹp như bức tranh tĩnh vật với màu vàng ươm của đậu phộng, trắng vàng của mè và mong manh dễ vỡ làm cho người thưởng thức phải nâng niu trên tay như đồ cổ ngoạn. Kẹo gương từ xưa được sản xuất ở Thu Xà (xã Nghĩa Hoà, huyện Tư Nghĩa). Hiện nay, nghề sản xuất kẹo gương có khắp nơi trong tỉnh, nhưng chủ yếu tập trung ở thành phố Quảng Ngãi.
Có người cho rằng, kẹo gương Quảng Ngãi vốn có nguồn gốc từ bên Triều Châu, Trung Quốc được du nhập đến cảng Thu Xà từ thế kỷ 17 với tên gọi là “kia thứng” hay “pô lý thứng”.
Kẹo gương từng được vua Lê Trung Tông nhà Lê Trung Hưng dùng làm món ăn tráng miệng trong triều nội. Tại Quảng Ngãi, nghề làm kẹo gương được phổ biến khắp nơi nhưng chỉ có kẹo gương sản xuất tại thị trấn Thu Xà, cách thành phố Quảng Ngãi chừng 10 km về hướng Đông mới thơm ngon và nổi tiếng hơn cả.
Kẹo gương. Ảnh minh họa.
Kẹo gương làm bằng đường cát trắng, mạch nha, mè và đậu phụng. Đậu phụng và mè đem rang giòn. Đường nấu tan chảy trong nồi cho đến khi có màu vàng nhạt. Nhanh tay bắc xuống bếp, trộn với nước chanh và bột vani (thao tác này đòi hỏi phải thật nhanh, vì đường đã nấu keo lại khi nhấc xuống khỏi bếp đông cứng rất nhanh). Tưới nước đường nóng lên đậu, lấy vá dàn thành một lớp mỏng. Rắc thêm đậu và mè lên trên. Để nguội rồi cắt thành miếng nhỏ.
Làm kẹo gương, quan trọng nhất là giai đoạn đường thắng tới. Nếu già quá, đường sẽ đỏ và trải mỏng không kịp, còn thắng non thì kẹo không trong, không giòn. Người ta, cũng dùng lòng trắng trứng để loại bỏ tạp chất, dùng mạch nha và chanh tươi khống chế cho kẹo khỏi bị lại cát, tuyệt đối không dùng thêm loại hóa chất gì.
Bởi tính chất đặc biệt của kẹo gương nên từ lâu đã có câu: “Ai về Quảng Ngãi quê ta/Mía ngon đường cát trắng ngà dễ ăn/Mạch nha, đường phổi, đường phèn/Kẹo gương thơm ngọt ăn quen lại ghiền".
Lương Ngọc (Tổng hợp)