Nét đặc biệt nhất của gà cáy củm - giống đặc hữu quý giá của Hà Giang, Cao Bằng - là thịt có mùi hương lúa rất lạ. Về ngoại hình, gà cáy củm được nhận biết bởi đặc điểm đuôi cụp, không có phao câu.

Thụ tinh nhân tạo để tăng đàn

Ông Triệu Văn Ngoan - một người nuôi gà cáy củm ở xã Đức Xuân, huyện Hòa An, Cao Bằng - cho biết, giống gà này có màu lông đa dạng, chân vàng, trọng lượng khi trưởng thành khoảng 2kg. Thịt gà có mùi hương lúa, dai, giòn, ngọt. Gà cáy củm từng được nuôi rất nhiều ở Hà Giang, Cao Bằng nhưng gần đây số cá thể giảm mạnh.

Ngoài yếu tố dịch bệnh, theo tiến sỹ (TS) Bùi Thị Thơm - Viện Khoa học sự sống, Đại học Nông - Lâm Thái Nguyên, nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng này là gà trống và gà mái giao phối có tỷ lệ thụ tinh thành công rất thấp do cấu tạo đuôi cụp. Cũng vì thiếu phao câu, gà cáy củm ít được người địa phương dùng làm lễ vật cúng khi lễ, tết mà chỉ để bày cỗ ăn. Do đó, bà con không chú trọng nhân giống, tăng đàn. “Nếu không có quy trình bảo tồn và phát triển, việc mất giống gà này chỉ là một sớm một chiều” - TS Thơm nói.

Gà cáy củm tại một hộ nuôi ở xã Đức Xuân, Hòa An, Cao Bằng. Ảnh chụp tháng 11/2016. Ảnh: Thúy Hà

Để thực hiện nhiệm vụ quốc gia về khai thác và phát triển gà cáy củm tại Cao Bằng và Hà Giang, TS Thơm và cộng sự đã đến các địa phương để nghiên cứu di truyền của giống gà này. Bà tiết lộ: “Chúng tôi lấy máu của cả con trống và con mái để phân tích DNA bằng các chỉ thị phân tử microsatellite. Kết quả cho thấy, quần thể gà cáy củm có tính đa dạng di truyền cao, thể hiện ở tần số dị hợp tử và hệ số cận huyết thấp. Nó có khoảng cách di truyền rất xa so với các giống gà khác. Điều đó cho thấy gà cáy củm là một nguồn gene riêng biệt”.

Dựa vào kết quả trên, nhóm đã nghiên cứu ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo để tăng đàn nhanh và ổn định chất lượng con giống gà cáy củm, kết quả rất tốt. “Chúng tôi đang cung cấp con giống cho trang trại và các hộ dân ở Thái Nguyên, Cao Bằng, Hà Giang” - bà Thơm cho biết.


Phát triển đàn song song với tìm đầu ra

Gia đình ông Triệu Văn Ngoan đang nuôi một đàn gà cáy củm hơn 10 con. Ông cho biết: “Tôi đã tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc gà của TS Thơm, trong đó có biện pháp tách đàn ra làm chuồng riêng để đảm bảo sự phát triển đàn. Tôi hy vọng có cá nhân, doanh nghiệp đầu tư để chúng tôi mở rộng thị trường cho gà cáy củm”.

Theo nhóm nghiên cứu, để phát triển giống gà này một cách ổn định, lâu dài, Cao Bằng và Hà Giang cần triển khai nuôi giữ tại các hộ đồng bào dân tộc, song song với việc nuôi, giữ giống bằng các biện pháp kỹ thuật tại trung tâm giống vật nuôi của tỉnh.

“Để khai thác hiệu quả giống gà quý, cần có đầu ra ổn định và giá cao hơn, như vậy mới hấp dẫn bà con tham gia” - TS Thơm nói. Để tìm đầu ra cho người dân khi lượng gà thương phẩm tăng mạnh, nhà khoa học này có ý tưởng xây dựng vùng nguyên liệu để cung ứng sản phẩm cho các khu đô thị lớn, thậm chí xuất khẩu.

Hiện việc nuôi giữ gà cáy củm chủ yếu được thực hiện tại các nông hộ miền núi như xã Đức Xuân, huyện Hà Quảng (Cao Bằng) và 7 xã thuộc huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang. Nhóm nghiên cứu của TS Thơm đang tiến hành nhân giống để cung cấp cho thị trường Thái Nguyên và các vùng khác.

“Nhiệm vụ khai thác và phát triển giống gà cáy củm tại Cao Bằng, Hà Giang mà chúng tôi thực hiện sẽ kết thúc vào cuối năm 2017. Mong rằng kết quả của dự án sẽ sớm góp phần đưa việc nuôi giống gà quý này thành nguồn thu nhập lớn của bà con nông dân” - TS Thơm chia sẻ.

Một số sản vật đặc thù nổi tiếng của Cao Bằng

Hạt dẻ Trùng Khánh: Quả to đều (to gấp 5-6 lần hạt dẻ rừng), vỏ lụa mỏng, dễ bóc, mùi vị thơm ngon, béo ngậy… . Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý “Trùng Khánh” cho sản phẩm hạt dẻ của huyện này vào năm 2013. Khu vực địa lý mà sản phẩm được bảo hộ gồm các xã: Đình Minh, Chí Viễn, Khâm Thành, Phong Châu.

Miến dong Nguyên Bình: Sợi dẻo, dai, giòn, để lâu không nát, không dùng hóa chất, được chế biến thủ công ở các xã Thành Công, Phan Thanh, Vũ Nông, Yên Lạc và thị trấn Tĩnh Túc của huyện Nguyên Bình. Ngày 11/2 vừa qua, huyện đón nhận văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Miến dong Nguyên Bình”. Cây dong riềng cũng đã được huyện xác định là cây trồng mũi nhọn.

Quýt Trà Lĩnh: Có vị ngọt thanh và mùi thơm đặc biệt, khác hẳn quýt vùng khác. Sau một thời gian bị lãng quên, gần đây cây quýt được huyện Trà Lĩnh phục tráng giống và đẩy mạnh sản xuất, mở rộng thị trường, trở thành cây thoát nghèo, làm giàu cho nhiều hộ dân.

Năm 2016, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể quýt Trà Lĩnh cho Hội Quýt Trà Lĩnh, xã Quang Hán với 87 thành viên. Nhãn hiệu này được sử dụng cho sản phẩm quả quýt tươi, cây giống quýt; dịch vụ mua bán quả quýt, đại lý xuất - nhập khẩu quýt, mua bán giống cây quýt trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ từ quýt.

Lê Đông Khê: Quả to, mềm nhưng vẫn giòn, vị ngọt thanh và hương thơm đặc trưng, lê Đông Khê từng lọt top 50 trái cây nổi tiếng nhất Việt Nam do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam bình chọn (năm 2012). Ngoài thị trấn Đông Khê, huyện Thạch An, giống cây này còn được trồng nhiều ở các huyện Trà Lĩnh, Bảo Lạc, Nguyên Bình, Hà Quảng. Tuy nhiên, lê trồng ở Đông Khê vẫn thơm ngon nhất.

H.Phạm