Ngày 09/01/2020, tại nhà Ông Nguyễn Thành Danh, ấp Bình Phú, xã Hòa An, huyện Chợ Mới, Trung tâm Dịch vụ - Kỹ thuật Nông nghiệp An Giang đã tổ chức Hội thảo Đánh giá đặc tính sinh trưởng và năng suất của cây khoai môn (Colocasia esculenta) được trồng từ củ của cây cấy mô và củ do dân để giống tại huyện Chợ Mới, An Giang


Đề tài do ThS. Trần Thanh Tuyến chủ nhiệm với sự tham gia của khoảng hơn 40 đại biểu là đại diện Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và PTNT, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Chợ Mới, Trạm Khuyến nông huyện Chợ Mới và các bà con nông dân địa phương đến tham dự.

Chủ nhiệm thực hiện đã trình bày báo cáo kết quả đạt được như sau:

- Đã thực hiện trồng thử nghiệm cây khoai môn giống từ củ của cây cấy mô với cây từ củ do dân để giống. Kết quả, cây khoai môn trồng từ củ của cây nuôi cấy mô có nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với cây khoai môn trồng từ củ do dân để lại làm giống như: cây cao hơn, bề rộng mặt lá lớn hơn, khả năng chống chịu bệnh tốt, củ to và vỏ sáng màu hơn… Năng suất lý thuyết hiện tại, cây khoai môn từ củ của cây nuôi cấy mô đạt 3.904kg/1.000m2, trong khi đó, cây khoai môn trồng từ củ do dân để lại chỉ đạt 1.740kg/1.000m2.

Tại buổi hội thảo các đại biểu tham dự trao đổi với chủ nhiệm thực hiện một số nội dung có liên quan đến việc chi phí giống từ củ của cây nuôi cấy mô cao hơn so với mua giống tại địa phương? Củ giáo trồng từ củ của cây nuôi cấy mô có thể trồng lại được hay không? Đại diện nhóm thực hiện nhiệm vụ, chủ nhiệm ThS. Trần Thanh Tuyến trả lời một số câu hỏi của bà con như do củ của cây từ nuôi cấy mô mua số lượng ít nên giá thành cao, tuy nhiên tỷ lệ củ hao hụt do không lên mầm ít hơn so với củ mua từ dân, còn củ giáo của cây trồng từ củ của cây nuôi cấy mô có thể trồng lại được, nhưng không đảm bảo về tính trội như cây mẹ ban đầu, để khẳng định được thì cần có nghiên cứu trồng khảo nghiệm tiếp theo, từ đó có khuyến cáo cụ thể cho bà con.