Do có khí hậu thuận lợi như vậy nên hạt dẻ Trùng Khánh ngon nổi tiếng mà không nơi nào có được, đây là loại quả đặc sản chỉ có duy nhất ở huyện Trùng Khánh tỉnh Cao Bằng.
Trùng Khánh có khí hậu mát mẻ quanh năm, so với các vùng khác trong tỉnh thì huyện có nền nhiệt độ thấp nhất trong tỉnh rất phù họp với các thời kỳ sinh trưởng và phát triển của cây dẻ, đặc biệt là thời kỳ ra hoa. Nhiệt độ trung bình năm của huyện Trùng Khánh dao động từ 20 - 21°C, trong khi các huyện khác trong tỉnh có nhiệt độ trung bình đều đạt trên 21°C.
Tháng có nhiệt độ trung bình thấp nhất là tháng Giêng với nhiệt độ trung bình là 12,6°C. Tháng có nhiệt độ trung bình cao nhất là tháng Bảy cũng chỉ đạt 26,1°C. Dẻ là cây ưa lạnh, chịu được nhiệt độ từ 4 - 38°C nhưng thích họp nhất từ 20-21°C. Yếu tố nhiệt độ có vai trò quan trọng nhất cho việc giới hạn phân bố vùng trồng dẻ, đặc biệt là nhiệt độ lúc ra hoa.
Hạt dẻ Trùng Khánh. Ảnh: Dulichvietnam
Tổng lượng mưa trung bình năm của huyện Trùng Khánh đạt mức cao so với các huyện khác trong tỉnh. Hàng năm huyện Trùng Khánh có lượng mưa trung bình từ 1.700 - 1.900 mm. Lượng mưa phân bố không đồng đều trong các tháng rất phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của cây. Thời kỳ phân hóa mầm hoa và giai đoạn ngủ nghỉ sau khi phân hóa mầm hoa trùng với các tháng có lượng mưa thấp.
Vào thời kỳ cây nuôi quả cần nhiều nước lại trùng vào mùa mưa của vùng. Tuy nhiên, trong một số năm, lượng mưa phân bố không đều và khắc nghiệt, lại rơi vào các thời kỳ sinh trưởng quan trọng của cây dẻ nên cũng ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, chất lượng của hạt dẻ.
Vùng trồng dẻ có độ ẩm trung bình từ 81,9 - 82,3%. Do có độ ẩm thấp hơn so với các vùng khác trong tỉnh nên một đặc trưng dễ nhận thấy của vùng trồng dẻ Trùng Khánh là thời tiết khô ráo, mát mẻ, đặc biệt hai thời điểm độ ẩm tương đối thấp và cao đều phù hợp với các thời kỳ sinh trưởng và phát triển của cây dẻ.
Đây cũng là một trong những yếu tố có ảnh hưởng tích cực đên sinh trưởng và phát triển của dẻ. Vùng trồng dẻ có độ ẩm trung bình từ 81,9 - 82,3 %.
Tổng lượng bốc hơi trung bình hàng năm tại Trùng Khánh khoảng 840 - 860mm và dao động không đáng kể (khoảng trên dưới 20mm) và ở mức trung bình so với các huyện khác. Giá trị cực đại của lượng bốc hơi là vào tháng 4, 5 và tháng 7 (87 - 88mm) và cực tiểu vào tháng 1, tháng 2 (52 - 56 mm).
Trong khi các huyện khác trong tỉnh có tổng số giờ nắng trung bình trong năm dưới 1.400 giờ thì ở Trùng Khánh và Bảo Lạc tổng số giờ nắng là 1.470 - 1.530 giờ. Dẻ là cây ưa sáng, vì vậy dẻ rấtt thích hợp với điều kiện khí hậu ở Trùng Khánh do có tổng số giờ nắng nhiều.
Tuy nhiên, để dẻ phát triển tốt nên trồng ở sườn đồi, thung lũng dốc thoải thoải ở phía có ánh nắng, tránh xa khu vực có sương giá vào thời kỳ ra hoa của cây dẻ. Vùng trồng dẻ từ 1.450 - 1.500 giờ/năm.
Hạt dẻ Trùng Khánh thơm ngon nhờ vào điều kiện khí hậu đặc biệt.
Nhìn chung, điều kiện khí hậu của khu vực trồng dẻ Trùng Khánh rất phù hợp với các yêu cầu sinh thái của cây dẻ và thuận lợi cho các quá trình sinh trưởng và phát triển của cây. Các yếu tố khí hậu chính như: lượng mưa, độ ẩm không khí, nhiệt độ và tổng số giờ nắng có ảnh hưởng lớn đến cây dẻ, đặc biệt là ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng quả, hạt.
Sự khác biệt rõ nhất của khí hậu tại vùng trồng dẻ Trùng Khánh làm cho dẻ trồng tại đây có chất lượng tốt và đặc trưng là khí hậu quanh năm mát mẻ (nhiệt độ trung bình thấp), khô ráo (độ ẩm trung bình thấp), số giờ nắng nhiều.
Thực tế cũng đã chứng minh, cây dẻ ở Trùng Khánh rất thích hợp với khí hậu nơi đây, cây mọc khỏe mạnh, cho thu hoạch quả hạt tốt, hạt dẻ Trùng Khánh có hương vị thơm ngon, bùi ngậy, dễ bóc vỏ.