“Chúng tôi đang xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ khởi nghiệp là ươm tạo KH&CN để phát huy được đầu tư trang thiết bị và tiềm năng các trí thức trong lĩnh vực cơ khí - tự động hóa”.

Đó là chia sẻ của ông Lê Xuân Rao - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Hà Nội kiêm Chủ tịch Hội Tự động hóa Hà Nội.

Máy đóng gói trong dây chuyền sản xuất đèn Led tại Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao công nghệ và giám định công nghệ. Ảnh: Phượng Hằng
Máy đóng gói trong dây chuyền sản xuất đèn Led tại Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao công nghệ và giám định công nghệ. Ảnh: Phượng Hằng

Cơ khí chế tạo thành mũi nhọn

Chiến lược phát triển KH&CN thành phố Hà Nội đến năm 2020 xác định tập trung phát triển một số ngành công nghiệp cao thành mũi nhọn, trong đó có cơ khí chế tạo. Theo hướng này, nhiều công nghệ đã được ứng dụng thành công như công nghệ nhận dạng tần số vô tuyến giúp quản lý, khai thác toa xe hàng đường sắt; hệ thống tự động hoá phục vụ cảnh báo, giám sát và điều hành truyền hình cáp hữu tuyến...

Đặc biệt, mới đây Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao công nghệ và giám định công nghệ được đưa vào vận hành với trang thiết bị hiện đại về cơ khí, tự động hóa, tạo ra các sản phẩm trong lĩnh vực chiếu sáng, năng lượng sạch.

“Trước đây chúng ta phải dùng khuôn để dập đất thì nay đã có hệ thống làm đất đa năng, tất cả chi tiết đều tự động hóa. Trung tâm có các mô hình nông nghiệp hiện đại với nhà kính và thiết bị cảm biến để trồng các cây đặc sản giá trị cao; sản xuất ra rất nhiều loại đèn chiếu sáng, đặc biệt là cho nuôi trồng công nghệ cao, phù hợp với những cây, con đặc sản Hà Nội. Trung tâm đã sẵn sàng chờ các doanh nghiệp, cá nhân đặt hàng” - ông Rao giới thiệu.

Có cơ chế khuyến khích thương mại hóa sản phẩm

Theo ông Lê Xuân Rao, Hà Nội đang xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ khởi nghiệp là ươm tạo KH&CN, giúp những nhà khởi nghiệp có ý tưởng hay kết quả dự án đã thành công thương mại hóa sản phẩm.

“Thời gian tới, chúng tôi sẽ đề xuất những chính sách cụ thể hơn nhằm giúp các nhà khởi nghiệp có nguồn kinh phí, nguồn hỗ trợ tối đa, các nhà sáng chế, các doanh nghiệp KH&CN sớm có sản phẩm đưa ra thị trường thay thế cho hàng nhập khẩu và nội địa hóa cho sản phẩm cơ khí tự động hóa made in Vietnam” - ông Rao nói.

PGS-TS Tạ Cao Minh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tự động hóa Việt Nam - nhìn nhận: “Bộ KH&CN đã có nhiều chính sách hỗ trợ KH&CN phát triển nhằm tạo hành lang pháp lý vững chắc. Tuy nhiên, từ chính sách, chủ trương đến việc thực hiện còn có những khoảng cách mà chúng ta đang gỡ dần từng bước một. Cần phải có chính sách cụ thể hơn nữa để đưa tự động hoá vào sản xuất và đời sống, phải tập trung giải quyết vấn đề ở từng phân khúc”.