Lúa không cắt từ gốc, chẳng cắt cả khóm mà phải cắt lửng và cắt từng bông một. Mà nếu đúng ra, phải gọi là đi nhặt lúa mới đúng. Công việc này được làm một cách hết sức chậm rãi.
Xay xát gạo nếp gà gáy tại xã Mỹ Lung
Ở xứ Mường Mỹ Lung (huyện Yên Lập, Phú Thọ) đang gìn giữ một giống lúa nếp bản địa, có tên là gà gáy. Nếp gà gáy không được gặt bằng liềm hay máy mà phải thu hoạch từng bông bằng tay cùng dụng cụ có tên là “túm”. Hạt thóc khi xát ra nhìn nửa trắng, nửa trong, tỏa hương thơm dễ chịu. Điều đặc biệt nhất ở loại gạo này là không cần ngâm nhưng khi đồ lên, xôi vẫn dẻo.
Chính vì tò mò với cái tên gà gáy, tôi đã cất công tìm về xứ Mường Mỹ Lung, nơi xa xôi nhất của huyện Yên Lập. Xã Mỹ Lung có 100% cư dân sinh sống là đồng bào dân tộc Mường. Ở cái nơi xa xôi này, sản xuất nông nghiệp vẫn là sinh kế chính. Vậy nếp gà gáy có từ bao giờ? Tại sao lại gọi là giống lúa trời ban?
Theo người dân Mỹ Lung, tên giống lúa này gắn liền với một sự tích rất cổ, chẳng biết có từ khi nào. Tích kể về một cô dâu buổi đầu tiên về nhà chồng. Theo tục, buổi sáng đầu tiên, con dâu sẽ phải dậy sớm, đồ một chõ xôi nếp để thắp hương dâng lên tổ tiên. Muốn đồ xôi, gạo nếp phải được ngâm từ tối hôm trước.
Chẳng may, do hôm trước phải chuẩn bị và tiếp khách quá mệt, người con dâu ngủ quên. Cô ngồi ôm mặt và khóc rưng rức. Bỗng nhiên, một ông Bụt hiện lên với câu nói quen thuộc “Làm sao con khóc?”. Cô gái trình bày sự tình. Bụt chậm rãi bảo, sẽ ban cho cô một loại gạo không cần ngâm vẫn có thể đồ xôi và một ít thóc để làm giống.
Nói xong, Bụt biến mất. Cô gái cảm ơn rối rít, đãi qua gạo rồi cho ngay vào nồi để đồ xôi cũng là lúc con gà nuôi sau bếp cất tiếng gáy vang. Giống lúa có tên gà gáy xuất hiện từ đây.
Lúa được bó thành từng “cúm”, phơi 3- 4 nắng.
Ông Đinh Quang Luật, 63 tuổi ở khu 4, xã Mỹ Lung cười khành khạch khi tôi hỏi về giống lúa kỳ lạ này. Theo ông Luật, về giống lúa thì đúng là như thế nhưng sự tích thì chắc do thế hệ trước "sáng tác" ravà kể cho con cháu nghe. Cứ tháng tư âm lịch, xứ Mường Mỹ Lung lại rộn ràng xuống đồng canh tác vụ nếp mới. Lúa giống, người dân tự tuyển chọn và để lại từ vụ trước mà ít người đi vay mượn. Lúa trồng 3 tháng mới trổ bông, 4 tháng thì vào chắc, 5 tháng mới chín vàng. Đất tốt, lúa tốt, chiều cao trung bình cây lúa có khi tới mét bảy.
Lúa nếp gà gáy dù dài ngày nhưng ít khi bị sâu bệnh, hiếm khi phải dùng đến thuốc trừ sâu. Do cây quá cao, trước khi thu hoạch, phải có một người đi trước dùng chân đạp vào gốc, sao cho cây nghiêng là là mặt. Người đi sau chỉ việc víu bông lúa xuống mà cắt.
Người Mường dùng một dụng cụ tự chế gọi là từ “túm” để cắt lúa. Túm được làm từ một khúc gỗ, một đoạn cành hóp và một lưỡi dao lam. Lúa không cắt từ gốc, chẳng cắt cả khóm mà phải cắt lửng và cắt từng bông một. Mà nếu đúng ra, phải gọi là đi nhặt lúa mới đúng. Công việc làm hết sức chậm rãi.
“Như nhà tôi, cả con cái nữa là 4- 5 người, dùng túm để cắt, có khi cả ngày chỉ xong một sào lúa. Nhà tôi trồng 8 sào, thu xong cũng mất đúng một tuần”, ông Luật chia sẻ.
Lúa được bó thành từng “cúm”, gánh về phơi. Công việc phơi lúa cũng phải đòi hỏi sự tỉ mỉ như một quy trình. Nếu như trời nắng to, chỉ phơi 3- 4 tiếng là phải đem vào cất trong nhà. Những ngay sau đó phơi tương tự, bao giờ cắn hạt gạo thấy săn vào thì được. Theo kinh nghiệm, nếu như phơi thóc quá 4 tiếng, hạt gạo bên trong sẽ bị giòn, khi xát sẽ bị vỡ.
“Túm” - dụng cụ cắt lúa nếp Gà Gáy của xứ Mường Mỹ Lung.
Khi những cúm lúa đã săn, người Mường không đem đi suốt mà cho vào bao hoặc treo lên gác bếp. Chỉ khi nào cần đến mới đem ra xay, suốt. Xát xong, nếu nhìn hạt gạo một nửa trắng, một nửa trong thì mới đạt yêu cầu. Vợ ông Luật bảo, nhiều người nơi khác đến chỉ thích mua gạo một màu, ấy là gạo khi phơi không đạt tiêu chuẩn. Muốn ăn ngon, phải chọn loại gạo hạt “nửa trắng, nửa trong”.
Đồ xôi bằng gạo nếp gà gáy, ai cẩn thận thì ngâm qua, ai vội thì đãi qua nước xôi là xong. Khi ăn, hạt gạo vẫn mềm, dẻo, thơm dịu. Xôi hôm nay, để tới mai ăn vẫn dẻo, nhưng không dính tay.
Ông Trần Kim Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Lung cho biết, lúa nếp gà gáy vốn là giống bản địa, nhưng trước cũng bị mai một. Cách đây chừng chục năm, tỉnh Phú Thọ có dự án phục tráng lại giống lúa này. Lúa được nhân rộng ra 4 xã để trồng, trong đó có Mỹ Lung. Nhưng chỉ sau một hai vụ, 3 xã còn lại đành "chào thua" vì chất đất không phù hợp. Lúc trồng nhiều nhất, Mỹ Lung có gần 50 ha lúa nếp gà gáy.
Tuy là giống dài ngày, nhưng năng suất lại rất thấp, cao nhất cũng chỉ được 1,2 tạ/sào. Như năm 2015, cả xã chỉ thu được 120 tấn lúa nếp gà gáy. HTXNN xã thu mua được 20 tấn để đóng bao, 100 tấn còn lại, người dân tự bảo quản rồi bán ra thị trường.
"Vì sản lượng không nhiều, nên loại nếp quý này lại càng hiếm. Nhiều khi, giá lên tới 40 nghìn đồng/kg, người dân vẫn không có đủ gạo để bán", ông Sơn chia sẻ.